Doanh nghiệp 'than phiền' về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt

author 15:51 23/01/2019

(VietQ.vn) - Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt do Bộ Công Thương sửa đổi không những không giảm tải mà còn gia tăng chi phí, nhiêu khê khiến doanh nghiệp khó khăn.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tại Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện các Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô cho rằng, nhờ có Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh mà các doanh nghiêp cũng nhận được nhiều lợi ích

Tuy vậy, bà Tú Anh cho hay: Việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa đồng bộ. “Giờ đã thực hiện hải quan điện tử rồi mà doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy rất nhiều. Có khi thủ tục đã hủy trên hệ thống rồi mà cán bộ vẫn bắt nộp giấy lên”, bà Tú Anh cho biết. Ngay cả thủ tục hoàn thuế, bà Tú Anh nói tiếp, đã điện tử hóa, doanh nghiệp đưa lên mạng hết rồi nhưng vẫn bắt doanh nghiệp nộp hồ sơ.

“Tôi làm hoàn thuế ở Hải quan Hải Phòng, bốn lần nộp hồ sơ để được áp mã, điều chỉnh thuế từ 2017 mà mãi mới đây mới được hoàn thuế. Dĩ nhiên là phải “có tác động” mới được hoàn”, bà Tú An dẫn chứng.

Tuy nhiên, điều khiến vị lãnh đạo doanh nghiệp này bức xúc nhất là chi phí kiểm tra hàm lượng formaldehyt được quy định tại Thông tư 21/2017 của Bộ Công Thương. Bà cho biết, trước đây, Thông tư 37 quy định việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt với rất nhiều quy định nhiêu khê và tốn kém, doanh nghiệp kêu rất nhiều, cuối cùng Bộ đã quyết định bãi bỏ thông tư này.

“Khi Bộ bãi bỏ thông tư 37, doanh nghiệp rất vui. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang vì ngay sau đó thì Bộ lại ban hành Thông tư 21. Khi doanh nghiệp kêu quá thì Bộ ra thông tư tạm dừng thực hiện từ 1/5/2018. Thông tư 21 này còn nhiêu khê, tốn kém hơn cả thực hiện Thông tư 37. Trước chỉ tốn một tỉ thì giờ phải ba tỉ”, bà Tú Anh trình bày và cho biết, Thông tư 21 hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang phải thực hiện.

Ảnh minh họa 

Bà Tú Anh nói doanh nghiệp nào cũng muốn kinh doanh theo pháp luật, có uy tín trên thương trường. Thông tư 21 quy định về hợp quy hợp chuẩn thì có lợi cho doanh nghiệp, nhưng bộ cần cải cách thủ tục để đừng gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, một trong những người tham gia soạn thảo Nghị quyết 02 cho biết, thực ra Bộ Công Thương đã nhận thấy sự vô lý của Thông tư 21. Theo ông Cung, Bộ đã hứa sẽ bỏ Thông tư 21 và đề nghị không đưa việc này vào Nghị quyết 02 của Chính phủ. Nếu phản ánh của doanh nghiệp về việc Thông tư 21 vẫn đang thực hiện là đúng thì Bộ Công Thương đã không giữ lời hứa.

Hồi giữa năm 2018, trước kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2018 lùi thời hạn áp dụng Thông tư 21/2017 về kiểm tra formaldehyt sang thời điểm 1/1/2019. Ngay tại thời điểm đó, đại diện nhiều công ty phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện Thông tư 21, bởi theo thông tư này: Hàng dệt may từ ngày 1/1/2019 phải công bố hợp quy tại Sở Công Thương địa phương. Để kịp công bố cho tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường vào thời điểm trên, không ít công ty dệt may đã tiến hành công bố từ tháng 5/2018. Nhưng có quá nhiều vướng mắc bất cập.

Trước đó, đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu; đặc biệt, các địa phương có cảng biển lớn, có cửa khẩu hoặc nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đánh giá tốt hơn; thủ tục đăng ký kinh doanh cũng được đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều kiện đăng ký kinh doanh có giảm bớt nhưng số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều (58% doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện và tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong xin phép kinh doanh…).

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, 5 năm qua, Nghị quyết 19 chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Không những thế, vẫn còn sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa chủ động giữa các bộ, ngành với địa phương, doanh nghiệp…

Hán Hiển

 

Các sản phẩm dệt may phải công bố hợp quy về formaldehyt và amin thơm từ 1/1/2019(VietQ.vn) - Từ ngày 1/1/2019, tất cả các doanh nghiệp dệt may bán hàng tại thị trường trong nước phải tuân thủ QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các admin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm trong sản phẩm dệt may.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang