Doanh nghiệp 'thuận đường' tiến nhờ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hóa

author 06:31 20/02/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Tài Chính khẳng định việc tiếp tục cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành giúp tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tại phiên họp lần thứ 4 về kiểm điểm kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã cho biết về công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) năm 2018 cũng như hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với Bộ Tài chính trong năm mới Kỷ Hợi 2019.

 Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai. Ảnh: mof.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, năm 2018, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiều công việc, điển hình như việc rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý và KTCN kèm mã số HS; Tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm giải đáp vướng mắc về công tác KTCN; Hoàn thành việc xây dựng Cổng thông tin thương mại quốc gia (VTIP) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2017...

Cùng với đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến tháng 9/2018, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 82/87 văn bản (chiếm 94%), trong đó có 10 Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ về công tác KTCN là: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải. Nhiều văn bản đã được sửa đổi, ban hành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN, thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng được chuyển thời điểm kiểm tra từ gia đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS, bãi bỏ những quy định không phù hợp.

Năm 2018, các Bộ, ngành cũng tiếp tục ban hành 18 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN kèm mã số HS; Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với 15 nhóm hàng phải KTCN...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ ra vấn đề còn tồn đọng là việc số lượng hàng hóa KTCN còn chiếm tỷ trọng lớn (10 tháng đầu năm 2018, số tờ khai nhập khẩu thuộc diện quản lý và KTCN so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1%), việc cắt giảm Danh mục hàng hóa quản lý và KTCN ngành vẫn còn nhiều hạn chế...

Nguyên nhân chủ yếu ở đây chính là việc một số Bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và công tác KTCN. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và KTCN nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; còn quy định chồng chéo, một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN do cùng một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2019 sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ triển khai công tác chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, KTCN kèm mã số HS; Tổ chức triển khai Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Xây dựng Đề án thí điểm áp dụng Cơ chế bảo lãnh thông quan vào năm 2020 và từ năm 2021 sẽ mở rộng triển khai chính thức Đề án; Hoàn thiện việc xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...

Không để đối tượng buôn lậu câu kết với cán bộ làm chỗ 'chống lưng(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, không để các đối tượng buôn lậu móc nối, câu kết với cán bộ để làm chỗ ‘chống lưng’, chỗ dựa cho các đối tượng buôn lậu.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang