Doanh nghiệp Việt bị đối tác "xỏ mũi"

author 18:29 20/04/2012

Công ty Cổ phần Biển Bạc, Hà Nội (Công ty Biển Bạc) bị chính nhà cung cấp sản phẩm "xỏ mũi" bằng cách "ăn cắp" toàn bộ khách hàng rồi đưa vào diện "chăm sóc" đặc biệt với nhiều ưu đãi.

Người trồng cây...

Ông Trần Trọng Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Biển Bạc, phân trần: “Đã có thâm niên hơn 10 năm làm việc với các hãng lớn về thiết bị an ninh an toàn của nước ngoài, vậy mà tháng 2 vừa qua, chúng tôi bị hãng Checkpoint cho một vố đau điếng. Mặc dù, không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh nhưng chúng tôi muốn trường hợp của mình sẽ là bài học kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) khi tham gia làm ăn với đối tác nước ngoài. Các DNVN phải liên kết, đừng để đối tác nước ngoài lợi dụng, thôn tính và đặc biệt ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng”.
 
Công ty Biển Bạc
Trụ sở công ty Biển Bạc
 
Theo ông Vinh, Biển Bạc được chọn là đại lý phân phối độc quyền sản phẩm Checkpoint từ năm 2002, khi tại Việt Nam chỉ có một siêu thị duy nhất là Fivimart sử dụng cổng an ninh QS2000 của Checkpoint, trong khi thị trường đã có hàng loạt thương hiệu khác như Sensormatic (Metro, Marko), Sidep (Cora), Lucatron (Intimex)…
 
Chính vì vậy, Biển Bạc đã đầu tư không ít chi phí để tổ chức hội thảo, tham gia triển lãm, tổ chức đào tạo… để xây dựng hệ thống phân phối nhằm từng bước đưa sản phẩm Checkpoint tiếp cận thị trường Việt Nam. Nhờ những nỗ lực đó, đến nay sản phẩm của Checkpoint đã chiếm tới 80% thị phần thiết bị an ninh siêu thị tại Việt Nam. Vì vậy, Biển Bạc nhận được nhiều giải thưởng của Checkpoint như: Top 50 Global Key Account Win Award Metro Silver Sea Viet Nam, Evole first approaching Viet Nam…

... Kẻ hái quả
 
Đây là bài học cảnh tỉnh cho các DNVN khi ký kết hợp đồng hoặc tham gia làm ăn với đối tác nước ngoài. Sau hơn 10 năm lăn lộn, đưa sản phẩm cũng như thương hiệu của Checkpoint chiếm lĩnh thị trường, bất ngờ Biển Bạc đã bị “hất” ra khỏi cuộc chơi.
 
Với “chiêu bài” liên tục gây sức ép đòi tăng giá và đưa ra rất nhiều yêu cầu phi lý với đại lý và khách hàng, ngày 20/2/2012, phía Checkpoint liên lạc trao đổi với bộ phận marketing của Biển Bạc về kế hoạch phát triển thị trường năm 2012.
 
Sau khi lấy được danh sách khách hàng đã, đang sử dụng sản phẩm của Checkpoint tại Việt Nam và khách hàng tiềm năng do bộ phận marketing Công ty Biển Bạc cung cấp, hãng đã ngấm ngầm triển khai hàng loạt hành động như: liên tục đòi tăng giá đột biến lên 300% trong khi các sản phẩm điện, điện tử khác đều giảm giá; cố ý trì hoãn các giao dịch hàng hóa, kể cả các hàng hóa đã ký hợp đồng. Đặc biệt là không nhận sửa chữa các sản phẩm đã quá hạn bảo hành (1 năm) tính từ ngày giao hàng từ kho của Checkpoint; không cấp khóa gia hạn phần mềm (6 tháng 1 lần) - công cụ duy nhất để lắp đặt, hiệu chỉnh và bảo hành các sản phẩm của Checkpoint.
 
Bên cạnh đó, Checkpoint ngấm ngầm chọn nhà phân phối mới là VEE và SCAT, đây là 2 đại lý cấp 1 của Công ty Biển Bạc; và đi gặp tất cả khách hàng của Biển Bạc có trong danh sách công ty cung cấp mà không có bất cứ trao đổi hay thông báo chính thức nào.
 
Ông Vinh bức xúc: “Từ ngày 1/3/2012, tất cả email, điện thoại của chúng tôi đều không được Checkpoint trả lời, kể cả đơn đặt hàng chúng tôi đã gửi vào ngày 27/2 để lắp đặt cho khách hàng của mình là Viettel, Coopmart... Chúng tôi thật sự bức xúc về cách hành xử không tôn trọng DNVN, nếu không tiếp tục chọn Biển Bạc là nhà phân phối sản phẩm tại Việt Nam cũng phải có thông báo chấm dứt hợp đồng, phải bàn về các việc liên quan như bảo hành, bảo trì. Cần phải có sự bàn giao giữa đại lý cũ và mới".
 
"Hãng Checkpoint đã không làm việc đó mà còn từ chối nhận sửa chữa các thiết bị của khách hàng do Biển Bạc chuyển sang (mặc dù khách hàng chấp nhận trả phí vì đã qua thời gian bảo hành 1 năm – việc này trước đây vẫn được hãng thực hiện). Đứng trước những hành động coi thường quyền lợi đại lý và vô trách nhiệm với khách hàng đã sử dụng sản phẩm của Checkpoint hơn 10 năm qua, tôi mong rằng khách hàng đang sử dụng sản phẩm của Checkpoint hãy cùng chúng tôi lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt”, ông Vinh nói.
 
Thiết nghĩ, việc các hãng, DN nước ngoài có âm mưu “mượn” DNVN đi tiên phong khai phá thị trường trong thời gian đầu, sau đó thôn tính hoặc “hất” ra khỏi cuộc chơi không còn là chuyện lạ. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh để các DNVN cẩn trọng hơn khi ký kết hợp đồng hoặc tham gia làm ăn với đối tác nước ngoài.
 
Theo DDDN
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang