Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh năng suất để không đánh mất lợi thế trên sân nhà

authorDương Phương Ngọc 09:00 28/01/2017

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam từng nói: “Nếu doanh nghiệp Việt không đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

80% doanh nghiệp Việt có trình độ công nghệ ở mức trung bình và thấp

Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, đánh dấu bước tiến dài trong quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế, mở ra một chương mới trong kế hoạch đổi mới, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự ổn định về chính trị và xã hội, có sức hấp dẫn đối với thương nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng chuyên môn cao từ những nước phát triển.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam,năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm, điều đó chứng tỏ những cố gắng của Việt Nam trong việc giảm dần khoảng cách năng suất so với các nước phát triển khác.

Đặc biệt, sau giai đoạn I của Chương trình 712 (2011- 2015), đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt với 65% tiêu chuẩn Việt Nam được công bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng…

doanh-nghiep-viet-can-day-manh-nang-suat-de-khong-danh-mat-loi-the-tren-san-nha-bai-tet

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam 

Tuy đã có những bước tiến rõ rệt nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam (theo thống kê năm 2013).

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cũng cho biết: Với 96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là trình độ công nghệ với trên 80% được đánh giá ở mức trung bình và thấp, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo hạn chế - Đây được xem là “vùng trũng nhất”, kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với thế giới.

Đặc biệt, yếu điểm của Việt Nam nằm ở tư duy, kinh doanh theo kiểu nông nghiệp, manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của doanh nghiệp trên thế giới.

Theo báo cáo chi tiết của Viện năng suất Việt Nam, trong 08 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước bao gồm: dệt may; da giầy; nhựa; thép; hóa chất; cơ khí chế tạo; năng lượng; điện; điện tử, tin học thì ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 6,4%/ năm. Đây cũng chính là ngành có năng suất lao động cao, năm 2015, đạt khoảng 1 tỷ đồng/ người lao động.

Sở dĩ năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng và mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong các ngành giai đoạn 2011-2015 luôn duy trì ở mức thấp.

Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày do những khó khăn về sự tụt hậu công nghệ so với các nước, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư ít, việc hợp tác còn yếu và thiếu, lực lượng lao động đông nhưng chất lượng không cao…

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng

Theo các chuyên gia, năm 2017, Việt Nam tiếp tục hội nhập ở mức sâu rộng hơn. Khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức: Tự do luân chuyển hàng hóa, đầu tư và lao động có kỹ thuật cao. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt.

Ở góc độ doanh nghiệp, cải tiến năng suất là những nỗ lực nhằm đáp ứng sự thay đổi của yếu tố bên ngoài, đồng thời cải tiến các yếu tố bên trong nhằm nâng cao năng suất. Để đạt được năng suất cao, mọi yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh phải được tối ưu hóa. Thông qua việc xác định những điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý, doanh nghiệp có thể thiết lập, lựa chọn và ưu tiên các biện pháp phù hợp với nguồn lực hiện tại.

Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, giai đoạn tới, các hoạt động của phong trào năng suất, chất lượng sẽ tiếp tục hướng vào các mục tiêu cụ thể gồm: Tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển KH&CN.

Đặc biệt, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa cải tiến năng suất và ý thức công nghiệp; xây dựng, đào tạo và phát triển chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực năng suất; đẩy mạnh các khóa đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ văn hóa nhận thức về pháp luật cho người lao động. Nhà nước cũng sẽ tập trung tăng cường khích lệ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

doanh-nghiep-viet-can-day-manh-nang-suat-de-khong-danh-mat-loi-the-tren-san-nha-bai-tet

Dệt may, da giày đang là nhóm ngành có năng suất lao động thấp 

Bên cạnh đó, các chính sách cũng tập trung thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn.

Riêng đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Việt Nam, giải pháp chung mà  Viện năng suất Việt Nam đưa ra đó là: Cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô; khuyến khích phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường; ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, hiện đại.

“Nếu không đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế ngay trên “sân nhà” – ông Nguyễn Anh Tuấn kết luận. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang