Doanh nghiệp ‘xin’ được tự công bố tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

authorDương Phương Ngọc 11:02 06/07/2017

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp mong muốn: Sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.

Theo Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 38/2012), một sản phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường buộc doanh nghiệp phải thực hiện các bước gồm:
- Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm.
- Sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi nộp hồ sơ gửi cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.
- Cuối cùng Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, tại một hội thảo về an toàn thực phẩm mới diễn ra tại Hà Nội, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực phẩm cho rằng, quy định như trên đang tạo ra khó khăn, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ khoa đạt 3 điểm 10 THPT quốc gia: ‘Cảm ơn vì bố mẹ cho em tự học’(VietQ.vn) - Thay vì bị bố mẹ kèm cặp, kiểm soát trong suốt thời gian học tập, bí quyết đạt 3 điểm 10 kỳ thi THPT quốc gia của chàng trai xứ Nghệ Hồ Phi Khánh lại là quá trình tự học, tự tìm hiểu và khám phá.

Do đó, đại diện các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đề xuất phương án, nên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm bằng cách "hậu kiểm", có nghĩa là doanh nghiệp sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.

Theo họ, với đề nghị này doanh nghiệp sẽ có lợi khi không phải gửi hồ sơ xác nhận an toàn thực phẩm lên cơ quan chức năng, không phải chờ đợi mà có thể chủ động tự xác nhận.

Điều này rõ ràng giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm mà doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm?.

Mặt khác, theo quy định Nghị định 38/2012, việc Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm được xem là biện pháp “tiền kiểm” đảm bảo sản phẩm thực phẩm đủ điều kiện an toàn trước khi ra thị trường.

Ngược lại nếu để doanh nghiệp tự xác nhận sau đó đưa ra thị trường, trong trường hợp xảy ra mất an toàn thực phẩm thì dù có kiểm tra xử lý nhưng thực phẩm không đảm bảo đã tràn lan trên thị trường, thậm chí đã vào bữa ăn các gia đình.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Việc "tiền kiểm" và công bố hoàn toàn khác nhau.

Công bố hợp quy hay phù hợp an toàn thực phẩm là một bước bắt buộc để đánh giá một sản phẩm có phù hợp các quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm hay không, từ đó đánh giá chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của thực phẩm.

Trong khi đó, "tiền kiểm" có nghĩa là khi một sản phẩm vừa mới được sản xuất ra thì cơ quan an toàn thực phẩm phải kiểm soát ngay lập tức về chất lượng của sản phẩm đó, do vậy 2 khái niệm này không giống nhau.

Nói về tính khả thi của phương án "hậu kiểm" như đại diện của một số doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm đề xuất, ông Châu cho rằng, điều này là bất khả thi.

Mặt khác, sản xuất kinh doanh phẩm ở nước ta khác với các nền sản xuất thực phẩm tiên tiến như ở Châu Âu, Mỹ, Singapore.
Sản xuất kinh doanh thực phẩm của chúng ta xuất phát từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ chính vì vậy hiện nay chúng ta có hàng chục triệu hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ngày ngày sản xuất và cung cấp thực phẩm ra thị trường.

Ngoài việc đóng góp lớn để cung cấp nhu cầu thực phẩm của người dân nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Còn những nhà máy lớn, chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn chỉ mới xuất hiện những năm gần đây và chiếm tỷ lệ ít trên thị trường.

"Vừa rồi, Quốc hội đã giám sát và thông qua các Bộ và 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ hậu kiểm chỉ đạt 40%. Có nhiều doanh nghiệp 5 năm không có đơn vị nào kiểm tra, bởi mặt bằng chung của các doanh nghiệp nước ta rất khác nhau. Do vậy, việc bãi bỏ công bố và chuyển sang phương án hậu kiểm là điều không thể", ông Châu chia sẻ.

Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”, trong 5 năm cả nước phát hiện trên 650 nghìn các tổ chức cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền phạt lên đến hơn 133 tỷ đồng. Bên cạnh đó cũng yêu thu hồi nhiều sản phẩm và dừng lưu hành rất nhiều. Có trường hợp chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Riêng trong 1 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017, Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra 289 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính: 148 cơ sở, với số tiền phạt hơn 12 tỷ  đồng, chuyển cơ quan điều tra 4 trường hợp...

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang