Doanh nhân châu Á sợ điều gì?

author 21:10 02/05/2014

Theo các chuyên gia, nỗi sợ hãi thất bại tại châu Á mạnh hơn các khu vực khác.

Châu Á dường như đang trong điều kiện hết sức thuận lợi: Đây là khu vực có nhiều trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới, có triển vọng tăng trưởng ổn định, một tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh và các thành phố với tỷ lệ thuế thấp cũng như ít các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên dường như bấy nhiêu là chưa đủ để làm thỏa mãn các doanh nhân trong khu vực.Và nguyên nhân chủ yếu, theo giải thích của các chuyên gia cho đài CNBC, là do người châu Á có tâm lý sợ thất bại và nỗi sợ hãi này chính là vật cản lớn nhất trên con đường sự nghiệp của doanh nhân châu Á và đây chính là sự khác biệt giữa họ và các doanh nhân Mỹ.

Ông Mykolas Rambus – CEO của công ty Wealth-X – chuyên theo dõi giới siêu giàu – cho biết: “Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở châu Á là khổng lồ - điều này tốt thôi. Tuy nhiên, số lượng doanh nhân – các cá nhân có hệ tư tưởng giống nhau và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp thì tôi không dám chắc. Cái giá của thất bại ở Mỹ là bạn học được từ các sai lầm của mình, ngân hàng có thể chấp nhận điều này, xã hội có thể chấp nhận điều này, gia đình bạn có thể chấp nhận điều này. Tuy nhiên ở châu Á có lẽ không giống vậy. Một lần thất bại đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn luôn thất bại”.

Một vài ví dụ điển hình của các doanh nhân Mỹ từng gặp thất bại trước khi thành công bao gồm: Walt Disney – người có công ty hoạt hình đầu tiên phá sản. Hay người sáng lập Microsoft Bill Gates – là sinh viên bỏ học của Harvard và đồng sáng lập của ông là Paul Allen đã thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên của mình với công ty Traf-O-Data. Họ không bỏ cuộc và cuối cùng tạo ra Microsoft.

Tuy nhiên trong khi thất bại ở Mỹ được xem là bài học kinh nghiệm quý báu thì ở châu Á, thất bại lại bị coi thường và các chuyên gia cho rằng chính tư tưởng này đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nhân trong khu vực mà tầng lớn người tiêu dùng tăng cao cũng như các triển vọng kinh tế tươi sáng được cho là đem lại các cơ hội thành công cho những ai dám chấp nhận rủi ro.

Cũng theo các chuyên gia này, việc tìm được một công việc ổn định và leo lên các vị trí cao hơn được xem là dấu hiệu của thành công chứ không phải là chấp nhận mạo hiểm để thành lập một doanh nghiệp mới.

Ông Liew Kee Sin – CEO của SP Setia – một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Malaysia và được cho là có công gây dựng nên công ty hiện nay cho biết: “Tại sao giấc mơ Mỹ lại quan trọng với sự thành công của nước Mỹ? Đó vẫn là nơi mà các ý tưởng thăng hoa và bạn được tưởng thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của mình và bạn không được đánh giá dựa trên màu da hay sắc tộc. Chúng tôi chưa đạt đến trình độ đó nhưng đang hướng tới mục tiêu đó. Tôi hy vọng rằng tất cả các doanh nhân trên thế giới này đều có thể chứng minh con đường đó là đúng.”

Được biết ông Liew có khả năng nhìn nhận thị trường và đầu tư vào các mảnh đất rộng lớn trước khi thị trường bất động sản bùng nổ từ rất lâu và đây được xem là lý do cho sự thành công của công ty ông Liew.

Thay đổi cách nghĩ

chaua

Theo các chuyên gia, nỗi sợ hãi thất bại tại châu Á mạnh hơn các khu vực khác chủ yếu là do kỳ vọng vào truyền thống gia đình trong đó bố mẹ khuyến khích con cái theo đuổi nghề nghiệp được định sẵn như trở thành luật sư, kỹ sư trong khi con cái cảm thấy bị áp lực để đáp lại kỳ vọng của bố mẹ.

Thái độ đối với rủi ro cũng không đồng nhất trong khu vực, trong đó nỗi sợ thất bại thường mạnh hơn ở các quốc gia có truyền thống bảo thủ như Nhật, Đài Loan hay Singapore và ít nghiêm trọng hơn ở các quốc gia như Ấn Độ - nơi có truyền thống mạnh về doanh nhân khởi nghiệp.

Ông Rambus cho rằng: “Tại sao các doanh nhân Ấn Độ thành công như vậy? Tôi nghĩ một phần lý do là các rủi ro thất bại ở Ấn Độ không mạnh như ở Nhật dưới góc độ gia đình, cấu trúc…”

Ông Damien Duhamel – giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng tư vấn marketing Solidiance cho biết: “điều châu Á cần hiện nay là thay đổi hệ tư tưởng. Singapore có truyền thống ngại rủi ro và do đó, rất nhiều doanh nhân Singapore không nhất thiết phải là người Singapore. Điển hình là trường hợp của TWG – một nhãn trà cao cấp nổi tiếng được thành lập bởi 2 người nước ngoài cách đây 6 năm”.

Đồng sáng lập Taha Bouqdib đã mang cả gia đình từ Paris sang Singapore để thành lập nhãn trà này cùng với đối tác kinh doanh gốc Ấn Manoj Murjani lúc đó đang sinh sống tại Singapore. TWG hiện nay là một trong những nhãn trà được ưa chuộng nhất thế giới.

Ông Rambus của Wealth-X cũng cho rằng thái độ đối với thất bại trong kinh doanh tại khu vực châu Á cần phải thay đổi: “Điều gì làm nên một doanh nhân thành công? Đó chính là thất bại. Bạn đã bao giờ nghe được câu “thất bại nhanh và thất bại thường xuyên – đó chính là nhân tố thúc đẩy kinh doanh”.

Dấu hiệu thay đổi?

chauaa

Ông Duhamel của công ty tư vấn Solidiance cho biết có nhiều dấu hiệu tích cực. Các trường đại học ở Singapore đang khuyến khích các chương trình cho phép sinh viên tạm dừng học 1 năm để xây dựng doanh nghiệp của riêng mình: “15 năm trước đây, các doanh nhân châu Á được xem là kẻ nằm ngoài xã hội. Điều này chủ yếu là do áp lực từ những người đồng trang lứa ở châu Á mạnh hơn châu Âu – họ chịu áp lực phải kết hôn, ổn định và mua nhà, mua ô tô. Dân châu Á không có thói quen nghỉ 1 năm để đi du lịch. Tuy nhiên giới trẻ hiện nay thường có xu hướng thích thể hiện quan điểm và chấp nhận mạo hiểm”.
Sự tăng trưởng chóng mặt của Internet và nhiều câu chuyện thành công là các tín hiệu tích cực có tác dụng thay đổi thái độ đối với việc mạo hiểm ở châu Á.
Ngay cả Nhật – quốc gia được xem là không ưa mạo hiểm nhất – cũng đã cho thấy dấu hiệu thay đổi.

Vào năm 2004, ông Yusaka Maezawa – thành viên một nhóm giang hồ - đã thành lập đại lý bán lẻ trực tuyến quần áo thời trang Zozotown ban đầu bán đồ của 17 cửa hàng khác nhau và từ đó đã trở thành một điểm mua sắm rộng lớn với hơn 1.500 nhãn hàng.

Theo các tạp chí chuyên ngành thì website của Zozotown tại thời điểm đó là độc nhất ở Nhật và trở thành kỳ tích trong giới tiêu dùng trẻ, thành thạo Internet ở Nhật Bản. Ở tuổi 37, Maezawa đứng thứ 42 trong danh sách 50 người giầu nhất Nhật Bản của tạp chí Forbes với tài sản khoảng 740 triệu USD.

Xét cho cùng thì việc bạn có trở thành doanh nhân thành đạt không phụ thuộc vào việc bạn được sinh ra ở đâu mà là dòng máu bạn được sinh ra thế nào. Theo ông Liew: "Dòng máu doanh nhân ở đâu cũng giống nhau – dù là tại Malaysia hay Mỹ. Các doanh nhân dám chấp nhận rủi ro và họ có khả năng nhìn nhận thị trường".

Theo DNSG


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang