Doanh nhân đang muốn điều gì ?

author 10:55 13/10/2014

“Cứ hỏi bất kỳ doanh nhân nào trong nước là họ muốn gì, chắc chắn họ trả lời rằng cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định, an toàn”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

* Năm 2014 là tròn 10 năm ngày Doanh nhân VN, nhưng có tới 5 năm doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh khó khăn trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi đau đớn?

Tôi đã trải qua những cảm xúc buồn trong những năm qua. Có hôm, anh em doanh nhân ngồi khóc với nhau, nói là ngủ một đêm sáng mai dậy không biết ai còn ai mất. Cứ như thời chiến tranh. Khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng với nội tại kinh tế vĩ mô yếu kém, chính sách còn nhiều bất cập chưa tháo gỡ kịp thời khiến trên dưới 200.000 DN phải rời khỏi thị trường, trong đó có nhiều DN uy tín, có thương hiệu mạnh.
Riêng 3 năm gần đây đã có trên 150.000 DN ngưng hoạt động, hơn 400.000 DN còn lại thì đến 60% báo cáo không có khả năng nộp thuế. Mặc dù cùng lúc có nhiều DN được sinh ra, tương ứng với số mất đi, nhưng hàng trăm ngàn DN rời thị trường là một mất mát lớn. Làm sao một đứa trẻ mới lớn làm việc được như người trưởng thành?

* Đằng sau những con số nói trên, theo ông là gì?

Hậu quả dĩ nhiên còn kéo dài, không khắc phục được một sớm một chiều vì DN hiện nay vẫn còn yếu lắm. Tôi cũng mừng là gần đây Chính phủ đã ban hành một số chính sách tích cực như rút ngắn thời gian khai thuế, giảm lãi suất, điều chỉnh chính sách sử dụng đất đai... Nhưng nhìn chung, chính sách của ta cũng còn thiếu thông thoáng, an toàn. Bất kỳ DN nào muốn tồn tại cũng phải hội đủ ba điều kiện là vốn, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Có vốn mà không có cơ chế chính sách thì cũng chết; người giỏi mà không có tiền cũng không xong.

Đơn cử đối với sản xuất, vốn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng DN mạnh dạn đầu tư đổi mới không nhiều do cơ chế, vốn, lãi suất của ta thiếu ổn định khiến họ không yên tâm. Ví dụ, DN ký hợp đồng tín dụng phải đảm bảo trong quá trình đó không tăng lãi suất thì họ mới dám làm. Còn nếu tăng hoặc cắt bất tử phải bồi thường. Nhưng đâu có ngân hàng nào dám cam kết việc này. Vì thế, DN vay vốn đầu tư cũng giống như đi xiếc trên dây mà không có nón bảo hiểm. Cho nên tôi mới nói, phải có sự đồng hành của ba điều kiện trên.

Doanh nghiệp cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định và an toàn

Doanh nghiệp cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định và an toàn

Chỉ còn 2% DN lớn

* Theo ông, vấn đề phải khắc phục ngay về mặt cơ chế, chính sách?

Vấn đề hàng đầu hiện nay là phải thể chế hóa các luật, nghị định, thông tư phù hợp với điều kiện thực tế. Tất cả phải thật thông thoáng, công bằng và phải an toàn để tạo lòng tin. Đặc biệt, chủ trương chính sách và giải pháp thực hiện phải song hành. Dự thảo thông tư phải kèm với dự thảo nghị định để trình cùng lúc, chứ không phải nghị định ra đời vài tháng sau mới có thông tư. Một vấn đề nữa là nghị định do các ban, ngành liên quan soạn dẫn đến tình trạng họ luôn tạo sự an toàn cho họ, cái khó đẩy về DN. Vậy thì lòng tin của DN không có.

* Hệ quả lớn nhất của tình trạng chính sách thiếu ổn định đối với các DN là gì?

Đó là hàng loạt DN “ăn xổi ở thì” vì chạy theo chính sách. Quan trọng hơn, chúng ta không xây dựng được những DN tầm cỡ khu vực và thế giới. Trước đây chúng ta có 5% DN lớn, nhưng nay chỉ còn 2%. DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm gần 99%. Qua đó cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của DN VN nói riêng là quá yếu.
Sau 5 năm khủng hoảng, nhiều DN cũng đã có sức đề kháng tốt. Vấn đề còn lại là xây dựng được niềm tin của họ với chính sách. Nếu hỏi bất kỳ doanh nhân nào trong nước là họ muốn gì, chắc chắn họ sẽ trả lời cần một cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định, an toàn.

* Còn mong muốn trước mắt là...

Vốn và lãi suất. Nhà nước nên cho phép DN được thỏa thuận giải quyết nợ tồn đọng thay cho mua bán nợ. Trước mắt cho giảm lãi suất của nợ cũ và nợ mới, khống chế lãi suất đầu ra và đầu vào trong toàn hệ thống ngân hàng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ ép đầu vào mà thả nổi đầu ra là không hợp lý. Ngoài ra, cần giảm bớt thủ tục và điều kiện đảm bảo để giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay.

Theo Thanh Niên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang