Độc đáo đặc sản Điện Biên

author 11:16 10/03/2013

(VietQ.vn) - Không chỉ được biết đến là vùng đất ghi dấu ấn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, Điện Biên ngày nay còn là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch, với những đặc sản vô cùng độc đáo...

Sâu chít

Đây vốn là loại côn trùng sống trong thân cây chít. Để biết cây nào có sâu chít, người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa (đó chính là cây đã bị ấu trùng ký sinh). Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.

Rượu sâu chít rất tốt cho sức khỏe

Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6 axit amin, còn sâu chít cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể

Người ta thu hoạch sâu chít bằng cách tìm những cây chít bị cụt ngọn, cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50-60cm, chẻ đôi, lấy sâu. Rửa sạch sâu bằng nước muối, rang hoặc sấy khô. Khi dùng, tẩm sâu với mật ong, rồi lại sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, tính ôn, được dùng thay thế vị đông trùng hạ thảo của thuốc Bắc với tác dụng bổ tinh tủy, ích phế thận, tráng dương khí, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối. Liều dùng hằng ngày là 6-12g dưới dạng rượu ngâm. Rượu này ngâm lâu sẽ thấy lớp chất béo nổi lên trên nên khi dùng phải lắc đều. Có thể dùng dạng xào, nấu với trứng hoặc hầm với thịt ăn hằng ngày.

Xôi nếp nương

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Người viết đã được thưởng thức món xôi nếp nương thơm ngon này do chính người Thái đồ, hương vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với những loại xôi từng thưởng thức trước đó.

Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay

Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều.

Người dân tộc Thái thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng… Cá nướng được tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng có vị cay và rất thơm) cùng với ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng mới đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Khách du lịch khi ghé Điện Biên thường mua những cái ếp xôi nóng hổi của người Thái để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, nhẩn nha thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác bết dính.

Bắp cải cuốn nhót

Có lẽ người miền xuôi nào đó lên Điện Biên quá ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây, nên cứ truyền tai nhau rằng lên Điện Biên phải tìm ăn bằng được món “chẳm chéo” (nhót xanh). Kì thực, chẳm chéo là tên của nước chấm, còn ăn nhót, ăn mận, ăn sim cùng chẳm chéo, người Điện Biên gọi chung là ăn chua (Kin Xổm)

Món đặc trưng nhất là bắp cải cuốn nhót. Đầu tiên là phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Có người thích ăn quả thật non, nhưng có lẽ nhót đạt tiêu chuẩn nhất là khi vừa đủ tầm, không non quá hay già quá, lớp phấn mới chỉ trăng trắng.

Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm mềm, chưa mọng nước và chua nhè nhẹ

Quả nhót phải xanh mướt, hơi mềm mềm, chưa mọng nước và chua nhè nhẹ, lại cũng thoảng qua vị chát nữa! Thú nhất là tự tay vin những cành nhót mềm mềm xuống, ngắm nghía và tỉa những quả nhót ưng ý nhất. Nghĩ đến lúc chấm xuống bát chẳm chéo, hình dung ra cái vị chua chua, cay cay mà thêm hứng khởi.

Thứ đến, cuốn cùng với nhót cần có bắp cải, cũng phải chọn những lá vừa tầm, không già, không non quá, trắng nõn nà. Thêm vài lá tỏi, lá rau mùi, ít gừng thái lát nữa là được.

Quan trọng nhất là bát nước chấm, chắc ngoài Điện Biên không đâu có: bát chẳm chéo là sự hòa quyện của tỏi khô (nhưng phải đúng là tỏi tây bắc mới có mùi, vị cay đặc trưng; tỏi tàu - củ to, mọng nước không ra vị của nó), gừng, ớt, rau mùi, mắc khén, sả… tất cả đều giã nhuyễn, trộn vào chút nước mắm hoặc muối cũng được.

Thế rồi khi đã tề tựu đông đủ, tất cả nguyên liệu được bày ra, mọi người quây quanh, người cắt nhót, cắt bắp cải, người đặt những miếng nhót, gừng, mùi, lá tỏi, từ từ cuốn vào lá bắp cải và khé chấm vào bát chéo, vừa ăn vừa râm ran những chuyện trên trời dưới biển...

Đưa miếng lên miệng, cắn nhẹ một cái ta cảm nhận được đầu tiên là vị mặn, cay, nóng của chéo, vị ngọt mát của bắp cải, và khi ngập chân răng vào miếng nhót là tổng hòa của chua, cay, mặn, ngọt.

Không cầu kì như nhót xanh, mận, mơ và sim (quả chua của người Điện Biên) cuốn lá vả đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần vài lá vả non đang còn lẫn màu xanh và vàng nhạt, một ít gừng thái lát, thêm chút muối ớt nữa là đủ vị. Mỗi thứ quả có vị chua riêng của nó, mơ và mận xanh chua gắt, sim rôn rốt lại có vị chát của những xơ quả. Nhưng tựu chung lại nó hòa lẫn với lá vả, muối ớt cũng ra thứ vị tổng hòa của chua, cay, mặn ngọt…

Người ta ăn chua không thể ăn một mình, phải có bạn, phải túm năm tụm ba, vừa ăn vừa cười nói, với những câu chuyện tếu táo mới thú. Người ta vừa ăn lại vừa xuýt xoa vì vị chua của quả kết hợp với vị cay nồng của các gia vị khác!

Thú ăn vặt này đôi khi lại là biện pháp hữu hiệu để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa mọi người. Một khách lạ đến thăm đúng lúc tập thể đang ăn chua chẳng thể nào lại quay ra hay ngồi thu lu một góc cả, cứ phải xà vào, cũng phải cuốn, chấm, xuýt xoa, cũng cười đùa hối hả. Thế mà chỉ sau mấy phút bỡ ngỡ người ta đã có thể trò chuyện như đã quen nhau lâu lắm rồi.

Bánh dày của người Mông

Bánh dày, một loại bánh không thể thiếu trong trong ngày tết của người Mông. Món quà thiên nhiên ban tặng, tượng trưng cho trái đất tròn, môi trường sinh thái trong lành. Thưởng thức hương vị thơm ngon, thuần khiết của bánh dày nhưng ít ai nghĩ rằng bánh dày của người Mông làm rất công phu.

Nguyên liệu làm bánh dày hoàn toàn là quà tặng từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp gien gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp. Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ; nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gãy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh.

Người Mông có thể mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, hay chấm với mật ong... hoặc ăn cùng với chả khi bánh còn mềm, ngon

Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10 kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa.

Cối giã bánh dày được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc. Chày giã bánh dày có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh, trai tráng được chọn giã bánh dày, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh. Những tàu lá giong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch. Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều "cuốn chiếu" để cơm nhuyễn đều.

Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá giong.

Màu trắng ngần của miếng bành nổi giữa màu xanh của lá. Bánh dày làm công phu nhưng để được rất lâu. Người Mông có thể mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, hay chấm với mật ong... hoặc ăn cùng với chả khi bánh còn mềm, ngon.

Tết của đồng bào Mông đúng dịp vùng cao thu hoạch mùa màng xong: lúa đã vào bồ; ngô, lạc, đậu tương chất đầy góc nhà... Không khí xuân tràn ngập núi rừng, nam nữ thanh niên người Mông khoát lên mình những bồ đồ đẹp nhất cùng nhau du xuân. Còn những người lớn tuổi trong làng thì mừng nhau con gà, cái bánh...

Gạo tám

Điện Biên có lòng chảo Mường Thanh rộng lớn, có điều kiện thích hợp cho cây lúa sinh sôi và phát triển. Nhờ vậy, không biết từ khi nào cây lúa, hạt gạo Điện Biên đã thơm ngon khác lạ. Đặc biệt là gạo tám Điện Biên thì đã nổi danh khắp gần xa, trở thành một đặc sản của vùng núi Tây Bắc.

Gạo tám Điện Biên có đặc điểm rất riêng: hạt nhỏ, màu đục không trắng như gạo tám thường

Gạo tám Điện Biên có đặc điểm rất riêng: hạt nhỏ, màu đục không trắng như gạo tám thường. Từng vốc gạo chảy qua kẽ ngón tay những dòng trắng muốt. Hạt gạo dài đều tăm tắp, căng bóng và thơm đến lạ. Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm, nhiều nhựa nên thường dính răng… Và một điều rất đặc biệt là không phải chỉ khi nấu thành cơm mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt gạo, gạo tám Điện Biên đã mang trong mình một mùi hương thoang thoảng.

Gạo tám Điện Biên thơm dẻo nên thường được người dân làm cơm lam, làm khẩu cắm. Khẩu cắm đồ như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng; hay làm khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp) – các món ăn đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Hạt gạo quý như vậy là do dinh dưỡng, màu mỡ của rừng già, núi cao khắp nơi chảy vào thung lũng, nhờ tinh túy đất trời hội tụ trong từng thớ đất, nhờ dòng nước màu mỡ từ sông Nậm đắp bồi.

Quả thật bát cơm gạo Tám thơm với hạt gạo dài mơ mộng, dẻo và đậm đà như tấm lòng người Tây Bắc đã níu chân biết bao thực khách đường xa. Ăn cơm thơm Điện Biên thì bao nhiêu nhọc nhằn, âu lo, phiền muộn dường như tan biến. Gạo Tám Điện Biên xứng đáng nằm trong “top” gạo hàng đầu của Việt Nam.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang