Đòi ĐBQH giải trình sau chất vấn "đụng chạm": "Bộ Y tế cần xin lỗi"

author 09:12 15/10/2014

"Cách giải quyết đúng nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho thu hồi công văn đã phát, đồng thời công khai giải trình và xin lỗi đại biểu Phạm Khánh Phong Lan".

GS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có cuộc trao đổi với phóng viên về việc Bộ Y tế ra văn bản yêu cầu ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan phải giải trình sau chất vấn "nóng" ngành y tế.

Sau những phiên chất vấn “nóng” thời gian qua xuất hiện chuyện Bộ Y tế ra văn bản đề nghị ĐBQH giải trình, thậm chí doanh nghiệp Hapulico còn đề nghị "chấn chỉnh" đại biểu vì nêu thông tin "bôi trơn" khi làm sổ đỏ. 

Theo ông, hai việc này có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Hoàn toàn không. Ngược lại, cơ quan, đơn vị, tổ chức có vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra phải có trách nhiệm giải trình với đại biểu. Là người đại diện của nhân dân, ĐBQH hoàn toàn có quyền nêu ý kiến chất vấn, phê bình. Việc Bộ Y tế yêu cầu đại biểu giải trình như thế là ngược với quy định.

“Những công văn hoặc hành vi “hù dọa” như đã nêu trên sẽ càng làm những đại biểu ít bản lĩnh hoặc “vướng trên vướng dưới” ngại nói thẳng nói thật. Nhưng tôi tin là số đại biểu có bản lĩnh, có trách nhiệm cao trước cử tri sẽ không nhụt chí”.

Còn việc công ty Hapulico gửi công văn cho Chủ tịch Quốc hội đòi “chấn chỉnh” đại biểu sau khi chất vấn về “bôi trơn” sổ đỏ cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Trước khi làm việc này, lẽ ra doanh nghiệp cần tham vấn luật sư xem phản ứng như vậy có đúng không.

Trường hợp cụ thể của Hapulico, tôi không có thông tin nên không thể  bình luận ý kiến phản ánh của đại biểu là đúng hay không, chỉ biết chuyện phải “bôi trơn” khi làm sổ đỏ là chuyện khá phổ biến.

Một doanh nghiệp không nắm được luật là đáng trách nhưng có thể hiểu được, còn một cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương như Bộ Y tế lẽ ra không thể mắc những sai phạm tối thiểu như thế. 

GS đánh giá thế nào về hành động của bà Phạm Khánh Phong Lan khi thẳng thắn nêu ra vấn đề của chính ngành mình đang làm việc? 

 

Với cương vị Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM thì bà Lan là một công chức, nhưng ở đây bà Lan phát biểu trên cương vị ĐBQH. 

Vấn đề bà Lan nêu ra đúng sai thế nào tôi chưa bàn tới, nhưng đó là một hành động có trách nhiệm, có bản lĩnh và cần phải hoan nghênh. Bởi thông thường đại biểu rất ít khi nêu ra những hạn chế, sai phạm của ngành mình, địa phương mình, mặc dù hiểu biết của họ về các vấn đề đó hiển nhiên là sâu hơn, chắc hơn người ngoài.

Theo quy định thì đại biểu phải có trách nhiệm như thế nào với những vấn đề mình nêu ra?

Đại biểu chỉ chịu trách nhiệm trước cử tri về các ý kiến và hoạt động của mình tại Quốc hội. Pháp luật nhiều nước quy định đại biểu không phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự về những phát ngôn ở Quốc hội.

Ở nước ta, điều này được Hiến pháp năm 1946 quy định rất rõ ràng: “Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện.” (Điều thứ 40). 

Hiến pháp hiện nay tuy không có quy định này, nhưng Điều 80 của Hiến pháp quy định rất đầy đủ quyền của đại biểu và trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân về những vấn đề đại biểu nêu ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và bà Phạm Khánh Phong Lan trao đổi trong một phiên họp tổ của ĐBQH TP.HCM vừa qua 

Vậy theo ông, Bộ Y tế phải làm gì khi đưa ra một văn bản đề nghị như vậy?

Người đứng đầu là người phải chịu trách nhiệm về mọi việc ở cơ quan mình. Bởi vậy, theo tôi, trong trường hợp này, cách giải quyết đúng nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho thu hồi công văn đã phát, đồng thời công khai giải trình và xin lỗi đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.

Theo ghi nhận của ông, trong lịch sử nghị trường đã xảy ra trường hợp nào mà ĐBQH bị đề nghị giải trình hay xử lý trách nhiệm?

 

Tôi chỉ hoạt động ở Quốc hội 2 khóa, nhưng  ở khóa nào cũng biết chuyện đại biểu bị phản ứng sau khi chất vấn hoặc phát biểu ý kiến đụng chạm.

Ở khóa XI, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Việt Nhân, sau khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị Thống đốc đề nghị Bí thư tỉnh ủy “chấn chỉnh”.

Ở khóa XII, sau khi đại biểu Lê Văn Cuông chất vấn Thủ tướng Chính phủ về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô 5 lần kháng lệnh Thủ tướng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh này đã có văn bản gửi lãnh đạo Quốc hội, tỉnh ủy Thanh Hóa,  đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, toàn bộ các đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội khóa XII phản đối, thậm chí yêu cầu tiến hành kiểm điểm đối với đại biểu Lê văn Cuông.

Đó là những hành vi trái ngược với tính chất dân chủ của nghị trường và bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Nói thật, đó là những chuyện đáng buồn, thậm chí đáng xấu hổ!

Việc bị gửi đơn yêu cầu giải trình, hay xử lý như vậy theo ông có làm nhụt chí các ĐBQH, khiến họ dù có thể biết nhưng sẽ không dám nêu ra?

 

Bình thường, nhiều đại biểu, nhất là các đại biểu “hai vai” đã ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm, đến các quan chức, các bộ ngành. Những công văn hoặc hành vi “hù dọa” như đã nêu trên sẽ càng làm những đại biểu ít bản lĩnh hoặc “vướng trên vướng dưới” ngại nói thẳng nói thật.

Nhưng tôi tin là số đại biểu có bản lĩnh, có trách nhiệm cao trước cử tri sẽ không nhụt chí. Và tin rằng đại biểu Phạm Khánh Phong Lan sẽ tiếp tục đóng góp cho Quốc hội những ý kiến xây dựng thẳng thắn, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri.

Xin cảm ơn ông!

Điều 80 của Hiến pháp quy định:

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang