Đôi điều về tài diễn thuyết 'thần sầu' của ông Obama

author 12:32 24/05/2016

(VietQ.vn) - Ngay từ hồi còn là sinh viên, ông Obama đã nổi tiếng về vốn từ và khả năng sử dụng từ vựng phong phú, linh hoạt.

Trong bài phát biểu mới nhất tại Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam, ngày 24 tháng 5 năm 2016, ông Obama đã làm hàng ngàn người trong thính phòng sởn gai ốc vì xúc động mạnh khi trích lời bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt thế kỷ 12, đề cập đến bài hát Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn. Vẫn chưa hết, ông còn trích cả Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tình huống này, nói như một khán giả có mặt tại hiện trường, đã thực sự chạm tới trái tim và lay động tình cảm sâu xa nhất của người Việt Nam. Thật không hổ danh là một nhà hùng biện hàng đầu thế giới.

Các chính khách nói chung, thường có một đội speech-writer đảm nhiệm viết giúp các bài diễn thuyết quan trọng. Họ là những người viết diễn văn chuyên nghiệp đến mức chỉ cần hỏi viết để làm gì, ai là khán giả, diễn thuyết trong bao lâu là họ có thể đưa ra một văn bản diễn thuyết với bố cục và nghệ thuật đẳng cấp.

Tuy nhiên, với một số trường hợp cá biệt thì tổng thống vẫn tự viết cho mình. Như Obama là ví dụ điển hình.

 Ông Obama phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24/5. Ảnh: Zing

Từ hồi còn là sinh viên, ông Obama đã nổi tiếng về vốn từ và khả năng sử dụng từ vựng rất phong phú, linh hoạt cũng như khả năng nói trơn tru hàng giờ không cần liếc qua bản giấy.

Các bài diễn thuyết có nhiều mục đích, nhiều nội dung nhưng có thể nói, sự thành bại và sự nghiệp chính trị của các chính khách nói chung, tốt lên hoặc xấu đi, phụ thuộc cơ bản vào các bài diễn thuyết. Điều này nghĩa là, một bài diễn thuyết thành công có thể đưa một chính khách lên đỉnh cao sự nghiệp, một bài diễn văn dở có thể làm tiêu tan cả một đời phấn đấu.

Có những bài diễn thuyết làm thay đổi lịch sử thế giới. Ví dụ, bài phát biểu của Adoft Hitler ở Đức năm 1933 đã trở thành một trong những căn nguyên dẫn đến thế chiến thứ 2. Bài phát biểu “I have a dream” của linh mục Martin Luther King năm 1963 đã dẫn đến sự ra đời của đạo luật bảo vệ sự bình đẳng màu da ở Mỹ cũng như trên thế giới.

Tùy từng trường hợp, có thể là mục đích chủ đạo một bài diễn thuyết là khích lệ, truyền cảm hứng nhưng có thể khái quát mục đích chung các bài diễn thuyết là tìm kiếm sự đồng thuận của khán giả với ý tưởng của người diễn giả. Một bài diễn thuyết thành công nhất là sau khi diễn thuyết, người nghe hoàn toàn tin tưởng và trong đầu họ ngập tràn ý nghĩ, ý tưởng của người nói, còn chính ý tưởng, thành kiến của khán giả thì tiêu biến mất. Dẫn đến số đông sẵn sàng hành động vì ý tưởng của người diễn giả đó. Tất nhiên không phải bài diễn văn nào cũng đạt được thành công đỉnh cao này.

Các diễn giả Mỹ, trong đó có ông Obama, thường dùng 5 phút (đôi khi đến 10 phút) để làm quen, đùa vui nhẹ nhàng gây thiện cảm ban đầu. Mục đích phần này là để xóa đi cách biệt và không khí căng thẳng giữa người nói và người nghe.

 Ông Obama thuyết phục người dân Mỹ về tài diễn thuyết bẩm sinh

Thông thường các tổng thống khi diễn thuyết ở nước ngoài đều học trước đôi ba câu ngôn ngữ bản xứ để gây không khí thiện cảm, vui vẻ như “Xin chào các bạn, Cảm ơn...” Muốn tạo ra sự thân thiện và hài hước nhẹ đó, các tổng thống phải đích thân tìm hiểu trào lưu xã hội hiện tại, lịch sử và văn hóa nước sở tại ở một chừng mực nào đó. Việc này dường như không thể bỏ qua được. Đây cũng chính là cách ông Obama vừa thể hiện ở Việt Nam.

Những bài diễn thuyết hay nhất của Obama có thể kể đến: Diễn văn thông báo về cái chết của Osama Binladen năm 2011; Diễn văn ở Rio de Janeiro, Brazil năm 2011; Diễn văn ở Đại học Hankuk, Hàn Quốc năm 2012; Diễn văn sau thắng lợi tái đắc cử tổng thống 2012

Những bài diễn văn này đạt trình độ nghệ thuật cao và thu lại những thành công to lớn. Nghĩa là chúng đã truyền cảm hứng cao độ đến cho người nghe.

Trước khi đắc cử tổng thống, tài năng diễn thuyết của Obama còn vượt ra ngoài biên giới của nước Mỹ để làm cho nhiều người trên thế giới khâm phục. Vào tháng 7 - 2008, tại thủ đô Berlin của nước Đức, ông đã thu hút được 200 ngàn người nghe qua bài diễn văn duy nhất của ông. Người ta có thể đồng tình hoặc phản đối chính kiến của Obama nhưng mỗi khi Obama xuất hiện và cất lời diễn thuyết, cũng là khi mà người ta chăm chú nghe và phần lớn đã bị ông thuyết phục. Đó là điều đã làm nên thành công trong sự nghiệp chính trị của Obama để trở thành ông chủ Nhà trắng.

Nhiều người cho rằng sự thành công lớn của Obama là ông đã truyền cảm hứng hy vọng khắc phục những chia rẽ truyền thống về đảng phái, kinh tế, tôn giáo, vùng miền và chủng tộc.

Tuy nhiên, hơn thế, những bài diễn văn của ông đã khơi dậy niềm tin của người dân Mỹ về những vấn đề mà họ cực kỳ quan tâm như: Việc làm của bản thân, Tương lai mới của đất nước, Trung thành với những gì mà nước Mỹ đã hứa hẹn; và tái khẳng định giấc mơ Mỹ (American dream).

Nghe Obama diễn thuyết, người dân Mỹ sống lại với niềm tin: Bất cứ ai cũng có cơ hội thành công, giàu có và hạnh phúc tại Hoa Kỳ miễn là phải chịu khó làm việc. Lao động sẽ đem lại vinh quang cho mỗi người.

Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam: Cập nhật tin tức mới nhất(VietQ.vn) - Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam - Cập nhật những tin tức mới nhất về chuyến thăm làm việc của thổng thống Obama tại Việt Nam

Sang Đỗ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang