Đổi đời nhờ dừa sáp Cầu Kè

authorUyên Chi 11:49 03/12/2015

(VietQ.vn) - Trái dừa sáp của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa "dừa sáp Cầu Kè".

Đổi đời nhờ dừa sáp Cầu Kè

Tính theo giá bán hiện thời thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.

Sau khi trái dừa sáp của xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu "dừa sáp Cầu Kè" lập tức được các nhà khoa học áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cho loại trái cây đặc sản nổi tiếng cả nước. Nhờ đó, nông dân trồng dừa sáp tăng thu nhập gấp 2-3 lần, nhiều hộ trở thành triệu phú.

Từ năm 2008, để phát triển diện tích cây dừa sáp đặc sản của địa phương, Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè đã xây dựng vùng chuyên canh cây dừa sáp rộng 50ha (tương đương 9.000 cây dừa) tại xã Hòa Tân. Ủy ban Nhân dân huyện Cầu Kè mời tiến sỹ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, về địa phương hỗ trợ cho nông dân trong vùng dự án về mặt kỹ thuật để trồng cây dừa sáp theo hướng VietGAP, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa.

Mô hình sản xuất này đã cho hiệu quả mà trước kia người trồng dừa sáp “nằm mơ” cũng không nghĩ là sự thật. Dừa sáp trồng chỉ sau 3-4 năm đã bắt đầu cho trái, tỷ lệ quả sáp tăng bình quân lên 30-40% so mô hình trồng truyền thống. Cá biệt, hộ ông Thạch Cộng, ở ấp Chông Nô 2, có ba cây dừa cho 147 trái sáp trong một năm, thu nhập hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, huyện Cầu Kè có hơn 35.000 cây dừa sáp; trong đó khoảng 80% cây đang cho trái. Dừa sáp Cầu Kè được trồng tập trung nhiều nhất tại các ấp có đông người dân tộc Khmer sinh sống như Chông Nô 1, Chông Nô 2, Chông Nô 3 thuộc xã Hoà Tân.
Theo nông dân trồng dừa sáp, khi cây dừa sáp ở giai đoạn từ 7 tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120-150 trái. Với hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ dừa cho quả sáp đạt từ 40-50%, tính theo giá bán hiện thời thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.

Nếu chỉ tính mức bình quân mỗi hộ dân trồng 50 cây dừa sáp, mức thu nhập này sẽ giúp người trồng dừa ở địa phương này không bao lâu trở thành triệu phú. Còn nếu nhân với số lượng 35.000 cây dừa sáp hiện có của toàn huyện, Cầu Kè đang biến vùng đất trồng dừa thành là “vùng tỷ phú".

Trà Vinh hiện có bốn sản phẩm trái cây được được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa gồm dừa sáp của Hợp tác xã dừa sáp xã Hòa Tân; măng cụt của Hợp tác xã Tân Thành, ấp Tân Quy, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè); xoài Châu Nghệ của Hợp tác xã xoài Châu Nghệ, xã Nhị Long Phú và quýt đường của Hợp tác xã Thuận Phú, ấp Long Trị, xã Bình Phú (huyện Càng Long).

Để nhân rộng mô hình nêu trên, hiện nay, Trà Vinh đã phê duyệt kế hoạch phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và sở hữu trí tuệ để triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học nhằm lập hồ sơ bảo hộ cho các sản phẩm đặc thù có giá trị khác của tỉnh.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang