Đối mặt với nguy cơ thiếu cán bộ khoa học trẻ và chảy máu chất xám

author 06:18 23/06/2015

(VietQ.vn) - 5 - 7 năm nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ, đồng thời xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra doanh nghiệp, ra nước ngoài...

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Mỗi năm, Nhà nước đầu tư 2% tổng chi ngân sách cho phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong đó gần 90% dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ còn một khoản kinh phí không lớn cho hoạt  động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 

Tuy nhiên, chính sách tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống của cán bộ khoa học, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn cao ở lại phục vụ lâu dài. Như vậy, 5 - 7 năm nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ, đồng thời xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra doanh nghiệp, ra nước ngoài... Ông Trần Đắc Hiến – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ KH&CN đã có trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam xung quanh những vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay, vấn đề sử dụng và trọng dụng nhân tài của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc,… dẫn đến KH&CN Việt Nam chưa phát triển mạnh. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi thấy có 3 yếu tố: Yếu tố thứ nhất liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ nghiên cứu khoa học, mà cụ thể là chính sách về tiền lương và các khoản phụ cấp. Có thể nói đây là một vấn đề mà nhiều nhà khoa học phàn nàn, chính sách chế độ đối với các nhà khoa học của chúng ta còn hạn chế. Đời sống của các nhà khoa học còn nhiều khó khăn, chính vì điều này dẫn đến chuyện chúng ta chưa thu hút và giữ chân được các nhà khoa học giỏi vào làm việc trong các tổ chức khoa học công nghệ.

Ông Trần Đắc Hiến – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ KH&CN

Ông Trần Đắc Hiến – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ KH&CN. Ảnh: S. T

Yếu tố thứ 2 là điều kiện và môi trường làm việc, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai. Tuy đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho hạ tầng KH&CN đáp ứng nhu cầu nghiên cứu nhưng trên thực tế còn nhiều hạn chế. Nhiều nhà khoa học giỏi chúng ta có thể mời từ nước ngoài về làm việc nhưng điều kiện làm trong nước không đáp ứng nhu cầu của họ nên cũng không giữ chân được họ.

Yếu tố thứ 3 là môi trường làm việc. Các nhà khoa học cần môi trường làm việc rất khoa học, chuyên nghiệp và có sự trao đổi học thuật nghiêm túc.

Ba yếu tố này rất quan trọng để tạo ra một sân chơi, một môi trường làm việc, điều kiện để các nhà khoa học giỏi nghiên cứu sáng tạo tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thưa ông, các Nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của nhà nước rất quan tâm, đề cao vai trò của các nhà khoa học nhưng trên thực tế các nhà khoa học vẫn chưa sống được bằng nghề. Phải chăng cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài trong ngành KH&CN vẫn còn bất cập?

Điều này có nhiều nguyên nhân. Đối với những nhà khoa học thực sự và những nhà khoa học có năng lực thì họ không hết việc để làm nhưng cũng có những nhà khoa học rất vất vả để tìm việc làm cho mình. Điều này cũng xuất phát từ sự năng động của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm cơ hội, một phần do cơ chế chính sách chưa thật thuận lợi để thu hút những người thực sự tài năng vào làm việc. Việc còn nhiều nhà khoa học chưa sống được bằng nghề đến từ hai phía từ cả cơ chế chính sách và bản thân các nhà khoa học.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ khoa học trẻ

Nguy cơ chảy máu chất xám từ nhà nước ra doanh nghiệp và nước ngoài. Ảnh: S. T

Bộ KH&CN có được quyết định việc phân bổ nguồn tư đầu tư cho nghiên cứu không, thưa ông? Ở đâu đó tại nhiều địa phương họ chưa nhìn nhận đúng vai trò của KH&CN, Bộ KH&CN có kiến nghị gì, giải pháp gì cho vấn đề này?

Theo quy định của pháp luật về  ngân sách cũng như đạo luật khác có liên quan thì Bộ KH&CN chỉ là một trong những bộ được phân bổ một phần trong 2% tổng ngân sách chi cho KH&CN. Phần còn lại được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương theo Luật ngân sách.

Tuy nhiên, Bộ KH&CN lại là bộ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với toàn bộ hoạt động KH&CN của đất nước. Đây cũng là một vấn đề bất cập. Nếu như Bộ KH&CN phải chịu trách nhiệm về hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư cho KH&CN, chịu trách nhiệm về hoạt động KH&CN thì Bộ KH&CN phải được quyết định việc sử dụng ngân sách. Chừng nào Bộ KH&CN được giao quyền quyết định sử dụng ngân sách đầu tư cho KH&CN thì lúc đó Bộ KH&CN mới có thẩm quyền điều chỉnh để đầu tư đến ngưỡng, ra được những sản phẩm nghiên cứu có giá trị cao.

Kinh nghiệm của các nước  phát triển cho thấy, đầu tư cho KH&CN từ nhà nước chỉ chiếm một phần, còn chủ yếu là đầu tư từ các doanh nghiệp và xã hội cho KH&CN.

Lâu nay chúng ta phát triển KH&CN chủ yếu từ nguồn đầu tư của nhà nước, còn nguồn lực đầu tư doanh nghiệp và xã hội còn rất hạn chế. Nhiệm vụ của chúng tôi và các bộ ngành, địa phương là làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất vừa khuyến khích, vừa động viên vừa có những chế tài mạnh hơn để buộc các doanh nghiệp phải có đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ thì khoa học mới phát triển được.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh – Đăng Minh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang