"Đội MBH xịn cần như đánh răng mỗi ngày"

author 08:46 25/03/2013

(VietQ.vn) - Bận rộn, đắt sô, cát sê cao với những chương trình biểu diễn nhưng Nghệ sỹ Xuân Bắc bật mí, chương trình “tuyên truyền đội mũ bảo hiểm (MBH) đạt chuẩn cho người dân” là cát sê “khủng” nhất từ trước tới nay mà anh có.

Bên lề việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông Hà Nội, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thực hiện đổi MBH đạt chuẩn cho người dân, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nghệ sỹ hài Xuân Bắc – Đại sứ thiện chí văn hóa giao thông của chương trình.

Được chọn làm Đại sứ thiện chí văn hóa giao thông cho chương trình tuyên truyền đội MBH đạt chuẩn cho người dân, cảm nghĩ của Xuân Bắc qua các hoạt động của chương trình như thế nào?

Tham gia vào chương trình tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông, kêu gọi người dân đội MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông để bảo vệ chính mình là một sô đặc biệt, sô không tính bằng tiền và cũng không có tiền để tính.

NS. Xuân Bắc - Ngồi uống nước chè cũng đội mũ bảo hiểm. Anh
NS. Xuân Bắc - Ngồi uống nước chè ven đường cũng đội MBH. Ảnh: Hồng Anh

Tôi nghĩ rằng, là nghệ sỹ biểu diễn, được công chúng yêu mến, quan tâm, qua các hoạt động tuyên truyền mong muốn đóng góp tiếng nói nho nhỏ của mình vào nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Để mọi người thấy đội MBH là bảo vệ an toàn, sức khỏe cho chính mình chứ không phải để chống đối hoặc đội mũ chỉ để cho có.

Không chỉ Xuân Bắc mà tất cả các nghệ sỹ, nếu được mời tham gia chương trình tuyên truyền đội MBH đạt chuẩn sẽ cống hiến nhiệt tình. Bên cạnh việc ý thức của người dân tham gia giao thông ngày một tốt hơn thì ý thức của các nghệ sỹ cũng tốt dần lên.

Dù đổi MBH có trợ giá nhưng theo phản ánh của người dân mức giá vẫn còn khá cao. Anh có đề xuất gì với cơ quan chức năng để hỗ trợ họ, hạ giá thêm không?

Theo tôi biết, để làm ra một chiếc MBH đảm bảo chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn, rất nhiều chi phí khác nhau và thực tế cũng có nhiều loại chất lượng.

NS. Xuân Bắc - Đi xe đạp điện cũng đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Hồng Anh
NS. Xuân Bắc - Đi xe đạp điện cũng đội MBH. Ảnh: Hồng Anh

Chính vì thế, MBH đúng nghĩa, đảm bảo chất lượng cũng phải có cái giá nhất định. Việc trợ giá do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH thực hiện cũng đã là những cố gắng rất lớn của họ.

Cụ thể như Á Long thực hiện đổi MBH B’ color cho người dân tại 4 điểm trên địa bàn TP. Hà Nội, đó là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Trợ giá cho MBH ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng ta cần biểu dương những doanh nghiệp đi đầu, tham gia đổi MBH cho người dân, góp phần tuyên truyền đội MBH đạt chuẩn.

Thực tế cũng cho thấy, đúng là rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đất nước ta cũng còn nghèo. Chương trình đổi MBH được thực hiện là sự cố gắng tập thể, chúng ta cũng không thể đòi hỏi ngay một lúc, một thời điểm nào đó có thể hoàn thiện, thực hiện tốt ngay được.

“Cũng cùng một công đội mũ sao không chọn mũ xịn mà dùng” - NS. Xuân Bắc

Chúng ta có các chủ trương, chính sách cho toàn dân, từ người có điều kiện đến không có điều kiện, từ người thu nhập thấp đến người có thu nhập cao đều phải áp dụng. Đương nhiên, khi áp dụng, người thu nhập cao sẽ thực hiện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, với những người thu nhập thấp, bạn có thể lựa chọn những chiếc mũ vẫn đảm bảo chất lượng nhưng mức giá thấp hơn. Nếu ngay một lúc không có khả năng chi trả và đổi nhiều mũ, nên khắc phục khó khăn bằng mượn MBH khi tham gia giao thông hoặc dùng chung mũ bảo hiểm với những người trong gia đình.

Không thể nói là nghèo mà khi tham gia giao thông lại dùng mũ chỉ để đối phó hoặc không chấp hành quy định của pháp luật. Hoặc có thể lựa chọn các cách thức tham gia giao thông khác nhau nếu không có đủ MBH để dùng khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy. Có thể đi bằng xe bus, xe đạp…

Ở nhiều nước trên thế giới, người dân khi tham gia giao thông chỉ bằng xe đạp, họ cũng mang mũ bảo hiểm. Chưa cần biết pháp luật của các nước có quy định đi xe đạp phải đội MBH hay không nhưng hơn ai hết, người tham gia giao thông ở các nước đó họ tự bảo vệ an toàn, sức khỏe cho chính bản thân mình bằng đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Khi giai đoạn một của chương trình tuyên truyền đội MBH đạt chuẩn cho người dân kết thúc, anh kỳ vọng điều gì?

Hi vọng, kỳ vọng thì nhiều, nhưng ít nhất có vài trăm ngàn MBH có chất lượng được đổi cho người dân cũng là vài trăm ngàn người dân đó được bảo vệ tốt hơn khi tham gia giao thông.

Từ việc đó là đòn bẩy để người người, nhà nhà sử dụng MBH đạt chất lượng và quan trọng hơn là người dân đang nỗ lực, đồng lòng với cơ quan chức năng vì thấy cơ quan chức năng đã cuộc khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt.

Các đơn vị bán MBH không đạt chất lượng, bán mũ giả mũ bảo hiểm đã bị xử lý nghiêm minh với các chế tài mạnh mẽ. Qua đó tạo niềm tin, hiệu ứng mạnh mẽ trong nhân dân.

Xuân Bắc hi vọng rằng sau các chương trình như vậy, ý thức người dân nâng lên, sử dụng MBH cho hài hòa, hợp lý.

Xin cảm ơn anh!

“Một ngày đẹp trời, ví dụ Bộ Y tế quy định, sáng dậy tất cả mọi người phải đánh răng. Nếu toàn bộ quốc gia này không có ai đánh răng, đương nhiên phải có các chính sách, quy định, để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chính việc đảm bảo sức khỏe cho dân là đảm bảo nguồn lao động, sự phát triển cho đất nước chứ không phải đảm bảo cho một ai đó.

Khi có chính sách như vậy, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp lại đưa ra yêu cầu, tất cả mọi người, cán bộ công nhân viên đến cơ quan trước 15 phút, để đánh răng tập thể…

Vì sao cơ quan chức năng không ra các quy định như vậy, đó là vì mỗi người dân đã biết rằng, cần phải đánh răng, để bảo vệ răng miệng, tránh sâu răng, hôi miệng… mà không cần ai nhắc. Với câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm cũng cần như vậy" - NS. Xuân Bắc

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang