Đổi mới dạy nghề như nào ?

author 09:59 23/10/2014

(VietQ.vn) - Để phát triển dạy nghề, trước hết cần đổi mới tư duy về dạy nghề. Lao động qua đào tạo nghề chiếm khoảng 65-70% lao động qua đào tạo, vì vậy học nghề là hướng đi chủ yếu để người lao động, thanh niên học nghề, lập nghiệp và có điều kiện tiếp tục học tập trong suốt cuộc đời lao động của mình.

Là một bộ phận trong hệ thống giáo dục quóc dân, dạy nghề có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Trong những năm qua, dạy nghề đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, những thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ và nhu cầu đa dạng của người lao động học nghề, lập nghiệp.

Cho đến nay, trong hệ thống dạy nghề đã hình thành mạng lưới đa dạng, rộng khắp đất nước với 2.052 cơ sở dạy nghề (trong đó có 55 trường cao đẳng nghề, 242 trường trung cấp nghề, 632 trung tâm dạy nghề và 1.123 cơ sở giáo dục, lớp dạy nghề tại doanh nghiệp tại các làng nghề …có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề). Mạng lưới cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo khoảng 1.700.000 người (quy mô tuyển sinh năm 2007 là 1.436.000 người).

Dạy nghề để nâng cao năng suất lao động
Dạy nghề để nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa

Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 38% và tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 35,6%, nguồn lực huy động ngoài ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 37%. Nhiều mô hình dạy nghề đa dạng và sáng tạo như dạy nghề tại doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp, cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ…đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động. Chất lượng dạy nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường sức lao động do các điều kiện bảo đảm chất lượng được cải thiện đáng kể (tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp tìm được việc làm khoảng 60%-70%, tỷ lệ này ở một số nghề và tại một số trường thuộc doanh nghiệp đạt trên 90%).

Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và các văn bản dưới luật được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng hình thành hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dạy nghề phát triển ổn định, đi vào nề nếp; đồng thời Luật quy định những chính sách quan trọng về đầu tư, về trách nhiệm của doanh nghiệp với dạy nghề, về xã hội hóa, về hỗ trợ phát triển dạy nghề tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ học nghề cho người nghèo, người dân tộc, phụ nữ, người tàn tật khuyết tật và các đối tượng chính sách khác; quy định về việc đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng... 

Mặc dù dạy nghề có bước phát triển mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong hoạt động kinh tế về cả số lượng và chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền của thị trường lao động trong và ngoài nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Để phát triển dạy nghề, trước hết cần đổi mới tư duy về dạy nghề. Lao động qua đào tạo nghề chiếm khoảng 65-70% lao động qua đào tạo, vì vậy học nghề là hướng đi chủ yếu để người lao động, thanh niên học nghề, lập nghiệp và có điều kiện tiếp tục học tập trong suốt cuộc đời lao động của mình. Trong điều kiện hiện nay, dạy nghề là nhiệm vụ chiến lược để phát triển thị trường nhân lực, là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu tăng tốc đạt 50% lao động qua đào tạo đến năm 2010. Dạy nghề còn là phúc lợi xã hội và nhằm mục tiêu thực hiện công bằng xã hội vì hiện nay phần lớn người học nghề là người nghèo, họ ít có cơ hội hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ dạy nghề.

Đầu tư cho dạy nghề là đầu tư phát triển, vì vậy Nhà nước phải ưu tiên và đầu tư tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở, đất đai và tín dụng cho người học và cơ sở dạy nghề; đầu tư cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư cho phát triển dạy nghề tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Cả xã hội và cộng đồng phải chăm lo đến dạy nghề, coi đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước lo cho các thế hệ kế tiếp; xã hội hóa dạy nghề trên cơ sở chuẩn bị trước nhân lực, quỹ đất, chính sách tín dụng và thuế. Dạy nghề phải thực hiện gắn kết với doanh nghiệp, huy động và khuyến khích chủ sử dụng lao động tham gia vào các hoạt động dạy nghề để đáp ứng nhu cầu thiết thân của doanh nghiệp. Đi đôi với mở rộng quy mô cần tập trung bảo đảm chất lượng dạy nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường sức lao động trong và ngoài nước thông qua việc xây dựng hệ thống chuẩn và kiểm định chất lượng, đó cũng là biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người học nghề và người sử dụng lao động. 

Hệ thống dạy nghề đang đứng trước những thách thức trong việc định hướng chuyển đổi mô hình trong thời gian tới, đó là: 

- Chuyển hệ thống dạy nghề theo hướng cung sang hệ thống dạy nghề theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và xã hội; 

- Chuyển hệ thống dạy nghề tập trung vào khu vực chính quy, công lập sang hệ thống dạy nghề phát triển cả dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên 

- Chuyển hệ thống dạy nghề được quản lý tập trung, đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước sang hệ thống dạy nghề được quản lý phi tập trung, phân cấp mạnh cho cơ sở; huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển dạy nghề 

- Chuyển hệ thống dạy nghề ít linh hoạt và khuôn cứng trong nhà trường sang hệ thống dạy nghề linh hoạt với nhiều lối vào, lối ra tạo cơ hội thuận lợi cho người học.

- Chuyển hệ thống dạy nghề đánh giá qua văn bằng cấp sau khi thi cử và không công nhận kết quả học tập trước đó sang hệ thống dạy nghề đánh giá căn cứ vào năng lực thực hiện và công nhận kết quả học tập ở bất kỳ đâu, bằng cách nào.

- Chuyển hệ thống dạy nghề mà các cơ sở dạy nghề được chỉ đạo và hỗ trợ từ cấp trên sang hệ thống dạy nghề mà các cơ sở dạy nghề tự chịu trách nhiệm, kết hợp với chỉ đạo hỗ trợ từ cấp trên 

- Chuyển hệ thống dạy nghề với chương trình nặng về lý thuyết không liên thông giữa các trình độ đào tạo sang hệ thống dạy nghề với chương trình xây dựng theo hướng kỹ năng thực hành, liên thông giữa các trình độ đào tạo.

Để đổi mới và phát triển sự nghiệp dạy nghề, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra phương hướng phát triển dạy nghề trong thời gian tới là : “ Tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu lao động. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Tạo sự chuyển cơ bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng linh hoạt: dạy nghề ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề .., tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề, lập nghiệp. Tổ chức dạy nghề chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất phù hợp cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để thực hiện định hướng trên, nhiệm vụ của dạy nghề trong thời gian tới là rất nặng nề, cụ thể là:

- Về quy mô tuyển sinh: Tăng quy mô tuyển sinh (dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên ) đạt khoảng 6%/năm để đến năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 26% trong tổng số 40% lao động qua đào tạo. Trong số lao động qua đào tạo nghề, trình độ cao đẳng nghề đạt 7,5%, trình độ trung cấp nghề đạt 22,5%, trình độ sơ cấp nghề đạt 70%. Như vậy, đến năm 2010 hệ thống dạy nghề sẽ tiếp nhận khoảng 2,5 triệu người, trong đó đào tạo cao đẳng nghề đạt khoảng 130.000 người, trung cấp nghề đạt khoảng 420.000 và sơ cấp nghề đạt khoảng 1.900.000 người. 

- Về phát triển mạng lưới: Theo quyết định số 07/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 02/6/2006 về “Quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” thì đến năm 2010 có 90 trường cao đẳng nghề (trong đó có 40 trường chất lượng cao, 3 trường tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực); 270 trường trung cấp nghề và 750 trung tâm dạy nghề. Mỗi tỉnh (thành phố) có ít nhất một trường trung cấp nghề hoặc trường cao đẳng nghề; mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất một trung tâm dạy nghề hoặc cụm huyện có trường trung cấp nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng nông thôn.

Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải phấn đấu nâng tỷ lệ qua đào tạo vào năm 2010 từ 40% (mục tiêu Nghị quyết đại hội IX) lên 50%. Theo đó, quy mô đào tạo nghề sẽ tăng từ 26% lên khoảng 30% . Như vậy, hệ thống dạy nghề phấn đấu tăng thêm 6%, đây là chỉ tiêu rất cao đòi hỏi dạy nghề phải có chiến lược đổi mới toàn diện để tăng tốc trong thời gian 3 năm còn lại. 

Để đổi mới và phát triển dạy nghề cần phải tập trung giải quyết 3 nội dung cơ bản sau:

Một là: Mở rộng quy mô, tạo mọi cơ hội thuận lợi cho người lao động và thanh niên tiếp cận với các dịch vụ dạy nghề

- Nâng cao nhận thức của xã hội và người lao động nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội về vai trò, vị trí của dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội;

- Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, tăng cường năng lực của các cơ sở dạy nghề về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện dạy nghề, ưu tiên và công khai quỹ đất cho các cơ sở dạy nghề; 

- Đẩy mạnh dạy nghề tại các doanh nghiệp và phát triển dạy nghề khu vực tư nhân; Đồng thời có cơ chế để doanh nghiệp hỗ trợ dạy thực hành, xây dựng chương trình, cấp học bổng,... 

- Phát triển mạnh hệ thống dạy nghề thường xuyên, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho thanh niên và người lao động học nghề, lập nghiệp; 

- Thực hiện và triển khai chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống dạy nghề và liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân;

- Phát triển hệ thống đánh gía và cấp văn bằng chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tạo điều kiện cho người lao động học nghề, lập nghiệp bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau.

Hai là: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế

- Đổi mới cơ cấu trình độ đào tạo nghề và cơ cấu vùng, miền thích ứng với nhu cầu thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ; đáp ứng yêu cầu của từng địa phương, từng ngành kinh tế, của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động;

- Xây dựng hệ thống chuẩn (Chuẩn trường, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn cơ sở vật chất) để làm cơ sở đảm bảo chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng; 

- Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề thích ứng với yêu cầu đổi mới dạy nghề;

- Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và chính sách kiểm định chất lượng trong dạy nghề để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực trên thị trường lao động trong nước và quốc tế;

- Xây dựng hệ thống trường trọng điểm chất lượng cao làm nòng cốt về chất lượng của hệ thống dạy nghề và từng bước tiếp cận với trình độ đào tạo tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Ba là: Nâng cao năng lực quản lý của hệ thống dạy nghề 

- Định hướng đổi mới đào tạo nghề theo định hướng thị trường sức lao động, thị trường nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế; 

- Thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động , xây dựng chính sách phối hợp giữa đào tạo và sử dụng; chính sách hợp tác và khuyến khích đào tạo nghề với doanh nghiệp; 

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ dạy nghề từ Trung ương đến địa phương (Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ các đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề; thành lập phòng dạy nghề tại các Bộ, ngành, tổng công ty và tại tất cả các Sở Lao động Thương binh và Xã hội);

- Phân cấp quản lý dạy nghề theo hướng tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề; nâng cao năng lực quản lý và lập kế hoạch của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp;

- Thể chế hoá vai trò chức năng của các tổ chức trong đó có doanh nghiệp khi tham gia xã hội hoá dạy nghề. Xây dựng mối quan hệ hợp tác và trách nhiệm với hội dạy nghề và các hiệp hội nghề nghiệp trong việc tham gia xây dựng chương trình, tiêu chuẩn nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người học; tham gia tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; 

- Mở rộng quan hệ quốc tế đa phương và song phương, nối mạng với một số nước khu vực để cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề; công nhận văn bằng chứng chỉ nghề tương đương; 

- Xây dựng chính sách thuế và chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề; chính sách và cơ chế chuyển các cơ sở dạy nghề theo cơ chế hành chính sự nghiệp sang cơ chế cung ứng dịch vụ. 

Dạy nghề có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Đổi mới và phát triển dạy nghề phải tiếp cận với những xu hướng đổi mới trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời phải dựa trên cơ sở ổn định lâu dài, kế thừa, phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua. Đó là những tiền đề quan trọng để dạy nghề phát triển bền vững trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Hằng

Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang