Đổi mới kỳ thi Quốc gia 2015: Thí sinh có đồng tình?

author 07:27 11/09/2014

Là thế hệ đầu tiên sẽ tiến hành học-thi theo phương án một kỳ thi quốc gia phục vụ hai mục đích, nhiều học trò sinh năm 1997 (hiện học lớp 12) bên cạnh chút vui mừng thì không ít tỏ ra băn khoăn, lo lắng.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Vui nhất có lẽ là các học sinh học khối D từ lớp 10 với ba môn cơ bản là Toán, Văn, Anh – 3 môn thi bắt buộc trong phương án một kỳ thi quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố.

Hà Anh, học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội chia sẻ thêm: “Trước thi tốt nghiệp với 6 môn, nay giảm xuống 4 môn; trước 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH cách nhau 1 tháng khiến học sinh ôn tập khá vất vả. Nay cơ bản chỉ có 1 kỳ thi chính nên học sinh tâm lí cũng nhẹ nhàng hơn”.

Cùng trường với Hà Anh nhưng theo khối C từ đầu, bạn Lê Đức Long cho rằng dù ngoại ngữ và toán sẽ phải học vất vả hơn chút nhưng Long luôn tạo cho mình tâm thế thoải mái, không đặt nặng áp lực điểm số ở các môn thi này. Một số bạn trong lớp của Long cũng tranh thủ ôn tập thêm các môn Toán, Ngoại ngữ để thi xong có thêm cơ hội nộp hồ sơ vào các ĐH, CĐ có xét đến 2 môn này.

Hương Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội cũng cho rằng: “Việc thi trước, nộp hồ sơ sau là điểm mới tích cực. Mọi năm em đọc báo thấy có chuyện 27 điểm vẫn trượt Trường ĐH Y Hà Nội. Như vậy là rất đáng tiếc. Nay chúng em thi vào trường khối B như vậy sẽ có thêm nhiều lựa chọn để tránh rủi ro”.

thi quốc gia 2015, phương án chính thức, tuyển sinh, tốt nghiệp phổ thông, môn thi chính, phương án 1

Thí sinh trong kỳ thi ĐH 2014 tại Trường ĐH Y Hà Nội (Ảnh: Văn Chung).

Mức độ khó dễ, độ mở đề thi sẽ ra sao?

Về những lo lắng, Phan Hưng Duy, học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Đốc, tỉnh An Giang từng viết thư cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ bạn không biết mức độ khó dễ của đề thi năm nay sẽ ra như thế nào cho phù hợp.

Theo Duy: “Việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính đại trà và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ mang tính phân loại thành 1 kỳ thi sẽ khiến độ khó kỳ thi giảm đi rõ rệt”.

Do đó, chỉ một số trường công lập mới thành lập, những trường công lập địa phương hay một số trường ngoài công lập mới chỉ sử dụng duy nhất kết quả kỳ thi chung này để xét tuyển ĐH,CĐ.

Còn lại, những trường ĐH tốp đầu: Y dược, Ngoại thương, Bách khoa, Tự nhiên, Ngoại ngữ, Quân đội, Công an ... chắc chắn 100% phải tuyển sinh riêng để phân loại một lần nữa thí sinh. Tốn kém liệu có giảm đi?”

Dĩ nhiên kết quả kỳ thi quốc gia có thể được sử dụng như một mức điểm sàn để thi tiếp kỳ thi riêng của trường. Đã hơn 10 năm nay chúng ta không thi riêng, nên công tác gác thi, chấm thi để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc theo Duy sẽ không hề dễ dàng.

“Bộ nói đề thi sẽ ra theo hướng tăng câu hỏi mở nhưng mức độ mở đến đâu, hướng ra như thế nào là điều học sinh rất cần giải đáp và công bố sớm” – Hương Giang cho biết. Trái với ý kiến của Hưng Duy, Giang lo lắng khi chỉ còn một kỳ thi mức độ đề ra dù giảm nhưng không hề dễ đối với các môn trái định hướng ôn thi ĐH trước đây của học sinh.

Chưa hết, Hương Giang cho biết nhiều bạn trong trường, trong lớp mình đang có ý định chuyển từ định hướng thi khối A, B sang học để thi khối D để học-thi thuận lợi hơn.

Lo hồ sơ ảo, làm “điểm số đẹp”

Mong muốn thi vào trường công an, là trường tốp cao Duy cho biết mình thực sự lo lắng khi năm nay mọi thí sinh đều có quyền nộp hồ sơ vào nhiều trường cùng lúc. Điều này có thể khiến nhiều bạn điểm ngấp nghé trúng tuyển có thể trượt, người điểm cao có thể đỗ nhưng chưa biết có đến nhập học hay không.

Duy cũng cho biết nhiều bạn trong trường, trong lớp khá lo lắng nếu môn thi ngoại ngữ được chọn là môn thi bắt buộc khi việc dạy và học bộ môn này trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Là một học sinh vùng biên giới Tây Nam, hơn ai hết Duy hiểu được học sinh vùng sâu vùng xa học ngoại ngữ khó khăn như thế nào.

Với việc nhiều trường có thể căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và điểm học sinh trên lớp để xét tuyển vào ĐH,CĐ, Duy mong Bộ GD-ĐT cũng như tất cả thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh đồng lòng chấp nhận những con số “không đẹp” về tỉ lệ đỗ trong kỳ thi sắp tới. Nghĩa là, những phương thức “trục vớt” thí sinh như xét bổ sung điểm trung bình môn năm 12 không nên tiếp tục áp dụng.

Còn Thùy Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội băn khoăn: “Năm tới em dự kiến thi vào Trường ĐH Hà Nội. Trường có điểm đầu vào hàng năm rất cao. Nếu trường tổ chức thêm một kỳ thi chọn học sinh vào trường thì việc học cũng không nhẹ đi. Tính cạnh tranh còn cao hơn khi mà hồ sơ, điểm số đẹp sẽ dồn vào các trường tốp cao”.

“Trừ những học sinh thi khối D và A1, những học sinh khác ví dụ như khối A, B ngoài ba môn đã trau dồi từ những năm trước là Toán, Lý, Hóa, bây giờ phải học thêm 2 môn Ngoại ngữ và Văn, các bạn học khối C phải học thêm Toán, Ngoại ngữ tổng cộng lên đến 5 môn, quá khó khăn khi mức độ kiến thức của từng môn thi đại học không phải thấp – Quốc Việt, một học sinh lớp 12 tại Vĩnh Phúc nêu ý kiến.

Theo Quốc Việt: “Lẽ ra Bộ GD-ĐT nên công bố sớm từ khi chúng em mới vào lớp 10 để có thời gian chuẩn bị. Nay chỉ còn lại 9 tháng để quyết định con đường của mình. Như vậy là quá ngắn để ôn luyện kiến thức và chuẩn bị tâm thế”.

Theo Vietnamnet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang