Đổi mới Sách giáo khoa: Chưa tìm được Tổng chủ biên

author 07:14 23/04/2015

(VietQ.vn) - Bộ GD-ĐT cho biết, vẫn chưa tìm được Tổng Chủ biên cho đợt đổi mới SGK lần này.

Bộ GD-ĐT vừa thông tin tới báo chí về chương trình Sách giáo khoa (SGK) mới.

Điều đặc biệt là cho đến nay, ngành GD-ĐT vẫn chưa tìm được Tổng Chủ biên.

Đổi mới Sách giáo khoa: Ai là Tổng Chủ biên?
Đổi mới Sách giáo khoa: Ai là Tổng Chủ biên?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc xây dựng chương trình và SGK sẽ có một người tổng chủ biên có nhiệm vụ điều hành, thống nhất cả quy trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra ai có thể “cầm trịch”. Bộ đang tích cực xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để công khai mời cả những người ngoài ngành giáo dục tham gia viết SGK.

Các tiêu chí cụ thể sẽ dựa trên 3 tiêu chí cơ bản để lựa chọn đội ngũ xây dựng chương trình. Trước hết người xây dựng chương trình, SGK phải là người có phẩm chất, giỏi khoa học và có năng lực sư phạm. Ngoài ra, người viết SGK cũng phải am hiểu về giáo dục phổ thông, có năng lực thực tiễn, có nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục phổ thông được thừa nhận. “Để hội tụ 3 yếu tố đó cùng lúc, hiện lực lượng này chúng ta chưa có nhiều, phải lựa chọn dần và tiếp tục đào tạo”, ông Hiển nói.

Như vậy, Bộ GD&ĐT sẵn sàng mời nhiều người ở nhiều lực lượng đủ tiêu chí tham gia vào việc viết SGK, trong đó có cả lực lượng giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiển cho rằng, số giáo viên phổ thông viết được sẽ không nhiều. Thay vào đó, Bộ sẽ bố trí một lực lượng giáo viên nhất định vào hội đồng thẩm định và lấy ý kiến cho SGK mới. 

Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam, một trong những người được đánh giá là "kiến trúc sư" của đổi mới SGK lần này là PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục phổ thông, Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình và SGK.

Ông Thống là người có tư tưởng đổi mới và đã hành động để đổi mới cách dạy và học môn Văn - tiếng Việt, được dư luận đánh giá cao.

Chương trình đổi mới, sẽ phân hóa rõ giai đoạn cơ bản và giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong đó giai đoạn cơ bản nhà trường sẽ trang bị kiến thức nền tảng cơ bản, các kỹ năng, chú trọng trải nghiệm xã hội.

Học sinh khi học xong chương trình THCS có thể tự ra ngoài đời để làm việc, kiếm sống thay vì trước đây phải học xong lớp 12. Để đạt được điều này, chương trình SGK sẽ có tính chất khuyến khích năng lực cá nhân, hướng các em vào sở trường thích cái gì, sau đó định hướng thêm các nhóm nghề nghiệp để các em tự quyết định hướng đi cho tương lai.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang