Đổi mới sáng tạo KH&CN: Chấp nhận rủi ro để không bỏ lỡ thời cơ phát triển

author 14:21 22/09/2016

(VietQ.vn) - Trước yêu cầu hội nhập và phát triển sâu rộng, Chính phủ VN cho rằng, việc đổi mới sáng tạo trong KH&CN chính là yếu tố then chốt để phát triển.

 

Ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST: "Đổi mới sáng tạo trong KH&CN là yếu tố quan trọng để phát triển"

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển sâu rộng. Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, theo các chuyên gia Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Nói về sự tăng trưởng và phát triển, trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thì không còn con đường nào khác là phải bằng khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao. 

Bởi việc đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực KH&CN nói riêng giúp khai thác tiềm năng về nguồn vốn và nhân lực đặc biệt thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Giá trị và những đóng góp của đổi mới sáng tạo đã được khẳng định rõ từ mô hình của nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây.

Nhận thức rõ được điều đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm và đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực KH&CN. Tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay sự vận dụng KH&CN trong lĩnh vực thực tiễn của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức.

Ngay từ những năm 1960 và 1970, Việt Nam đã coi cách mạng khoa học là then chốt. Gần đây, đã có Nghị quyết 20, Chỉ thị của Ban Kinh tế TW, Luật KHCN, hình thành các quỹ đầu tư khuyến khích KH&CN, chương trình hành động của chính phủ, nên số doanh nghiệp KHCN tăng lên nhanh chóng, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đồng thời nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chưa biết, hoặc biết nhưng chưa ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Khích lệ các nhà khoa học tiếp tục cống hiến(VietQ.vn) - 16 công trình/cụm công trình vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Vẫn nhiều tồn tại, yếu kém

Nói về vấn đề trên, tại buổi giao lưu trực tuyến "Đổi mới sáng tạo KH&CN - Yếu tố sống còn của phát triển" do báo Dân trí  phối  hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) thuộc Bộ KH&CN phối hợp tổ chức, ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn trong việc vận dụng KH&CN và đổi mới trong sản xuất kinh doanh. Có nhiều lý do dẫn đến hạn chế và yếu kém này.

Trước hết, 95% doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ hướng tới một mảng thị trường rất hạn chế.  Vì vậy, họ không có năng lực kinh tế và cũng không phát hiện ra nhu cầu phải cải tiến để cạnh tranh.

Một số chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo, kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, không chịu đổi mới, thậm chí thù ghét sự đổi mới, coi đó là đi ngược lại truyền thống của ông cha để lại.

Do đó, ông Doanh nhấn mạnh, để có thể vận dụng tiến bộ KH&CN, các doanh nghiệp cần liên kết lại, tạo ra một doanh nghiệp có quy mô “tới hạn” để có thể tham gia kinh doanh cạnh tranh trong thị trường khu vực.

Do đó, để thúc đẩy tiến bộ KHCN, phải cải cách thể chế, chuyển sang nhà nước kiến tạo thay cho nhà nước quản trị bằng hành chính, chấm dứt cơ chế “xin-cho”, thực hiện công khai, minh bạch trong đấu thầu về đất đai, về khai thác tài nguyên rừng biển, khoáng sản.

Đội ngũ cán bộ phải có trách nhiệm giải trình về những quyết định và hành vi của mình. Cỗ xe muốn chạy nhanh phải có động cơ mạnh, nhưng cũng phải có phanh (thắng) ăn. Một cỗ xe có động cơ yếu lại đi chệch hướng, không có chế tài để xử phạt và ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thì nỗ lực khuyến khích KHCN chỉ có tác dụng hạn chế.

Ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Dân trí

 

Chấp nhận rủi ro để không bỏ lỡ thời cơ phát triển

Liên quan tới vấn đề đổi mới, sáng tạo đặc biết là đối với các dự án nhất là các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST cho rằng, đổi mới sáng tạo hiện nay liên quan mật thiết với thị trường và bị chi phối bởi các xu hướng phát triển mới trong khoa học và công nghệ.

Như vậy các thách thức, rủi ro trong đầu tư cho ĐMST luôn song hành với các thời cơ và cơ hội phát triển có tính đột phá. Trong lĩnh vực này, chấp nhận rủi ro để không bỏ lỡ thời cơ phát triển đã tạo ra nhiều bài học thành công trên thế giới và Việt Nam cũng đang tiếp cận kinh nghiệm quan trọng này.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam dù có những bước phát triển nhưng so với các nước vẫn còn chậm và có phần tụt hậu. Do đó, để Việt Nam có được vị thế tốt hơn trong thị trường KH&CN toàn cầu và đặc biệt là giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nên kinh tế, theo ông Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA) cho rằng, đúng là so với bản thân chúng ta có những bước phát triển nhưng so với các nước thì chúng ta phát triển chậm hơn và có phần tụt hậu. Tuy nhiên cũng có những lĩnh vực mà ta không bị tụt hậu, ví dụ như Y tế, Nông nghiệp.

"Nhìn vào 2 lĩnh vực này tôi có thể đưa ra lý giải nguyên nhân để thành công. Hai lĩnh vực này có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba nhà: Khoa học- quản lý- sản xuất (người sử dụng). Ở đây lĩnh vực y tế bản thân nhà khoa học (bác sĩ) lại chính là người sử dụng kết quả nghiên cứu và nhà quản lý luôn luôn hỗ trợ ủng hộ. Về lĩnh vực nông nghiệp, phạm vi ứng dụng rộng và các nhà khoa học luôn gắn bó, phục vụ nông dân cho nên kết quả hầu hết đưa được vào thực tế", ông Thắng cho biết.

Như vậy, để cho khoa học công nghệ thành công thì cần phải xây dựng mô hình gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà trên. Muốn phát triển được KHCN, yêu cầu cần phải huy động được các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KHCN và họ chính là những người đặt đầu bài và kiểm tra đánh giá kết quả cũng như cung cấp kinh phí cho hoạt động KHCN.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có các chính sách, cơ chế giải phóng các nhà khoa học khỏi các thủ tục hành chính để dành toàn tâm toàn sức cho nghiên cứu khoa học cũng như các cư chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KHCN.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang