Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học: Kinh nghiệm thực tiễn từ dự án FIRST

author 06:51 26/12/2019

(VietQ.vn) - Dự án 'Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ' (FIRST) là dự án đầu tiên do Ngân hàng Thế giới (NHTG) tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ở Việt Nam. Việc triển khai dự án này đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu làm chủ nhiều công nghệ mới, có tính ứng dụng cao.

Theo PGS.TS. Trần Quốc Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Giám đốc BQL dự án FIRST, Trưởng Ban Giám sát dự án FIRST, mục tiêu dài hạn của dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ phát triển KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ thông qua xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách mới góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.

Mục tiêu ngắn hạn của dự án FIRST là thí điểm một số cơ chế quản lý các hoạt động KHCN, và về lâu dài là Hỗ trợ tăng cường hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Thông qua những bài học kinh nghiệm, FIRST sẽ kiến nghị với Bộ KH&CN để tham mưu cho Chính phủ đưa ra những cơ chế, chính sách mới, cải tiến, phù hợp với đổi mới sáng tạo.

Cũng theo PGS.TS. Trần Quốc Thắng, kể từ khi chính thức hoạt động năm 2015, FIRST đã tài trợ cho gần 40 dự án của các Viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, thông qua đó mời các nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác với các chuyên gia trong nước để tạo ra những công nghệ mới, sản phẩm mới; tài trợ 16 dự án hỗ trợ tự chủ và tiếp cận thị trường cho một số tổ chức KH&CN công lập, tạo “cú hích” và đầu tư “đến ngưỡng” để tổ chức KH&CN đủ năng lực tự chủ bền vững.

"Đổi mới sáng tạo là quá trình/chuỗi hoạt động để “biến tri thức thành tiền, hoặc rộng hơn là các giá trị cho xã hội”. Đây không nhất thiết là một quá trình tuyến tính và tuần tự từ ý tưởng đến thị trường mà hoàn toàn có thể rút ngắn để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với kỳ vọng từ Bộ KH&CN và Ngân hàng Thế giới, dự án FIRST đã lấy trọng tâm là liên kết, lan tỏa, thực hiện vai trò “bà đỡ”, “tạo cú hích” để liên kết, tạo nên chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo", ông Trần Quốc Thắng cho hay.

PGS.TS. Trần Quốc Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Giám đốc BQL dự án FIRST, Trưởng Ban Giám sát dự án FIRST. Ảnh: Hán Hiển 

Một số kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện dự án như: Trường Đại học Y Hà Nội đã được FIRST tài trợ mời các chuyên gia là người Việt đang hoạt động ở Mỹ đào tạo những chuyên gia về phẫu thuật. Sau quá trình thực hiện ekip đã nắm thành thạo kỹ thuật phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh;

FIRST cũng đã mời một Giáo sư người Việt đang làm việc tại Mỹ về nước thực hiện nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất đèn led công suất cao. Nhờ đó các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ chế tạo đèn led công suất lớn phục vụ chiếu sáng nơi công cộng. Từ kết quả đó, các doanh nghiệp trong nước đang thực hiện sản xuất ra sản phẩm.

“FIRST tập trung hỗ trợ để làm sao các viện nghiên cứu, trường đại học là nơi sản sinh ra tri thức, công nghệ, có được những kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận ngay với doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp. Với tiêu chí đặt ra là các viện nghiên cứu phải liên kết được với doanh nghiệp và có nghiên cứu định hướng, ứng dụng kết quả nghiên cứu để ra sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường”, PGS.TS. Trần Quốc Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, từ sự hỗ trợ của dự án FIRST, Viện Tế bào gốc thuộc ĐHQG TP.HCM đã làm chủ rất nhiều sản phẩm dược từ công nghệ tế bào gốc phục vụ chữa bệnh. Không những thế, cơ quan này hoàn toàn có thể chủ động được hoạt động chi trả lương cho nhân viên mà không cần bất kỳ sự bao cấp nào từ nhà nước.

Bên cạnh đó, có những Viện nghiên cứu về nông nghiệp đã chuyển giao được giống cây chịu được biến đổi khí hậu. Điều hết sức thú vị là FIRST tài trợ cho những nhóm liên kết hợp tác với nhau để nghiên cứu một công nghệ mới nhằm tăng giá trị của một sản phẩm cụ thể - Đó là sự thành công về hoạt động đổi mới sáng tạo.

Trong đó, FIRST có tài trợ cho nhóm liên kết đầu tư dây chuyền chế biến sợi của cây gai, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xuất phát từ nhu cầu trên thế giới về sợi gai cao cấp là rất lớn, doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học gồm Viện Di truyền nông nghiệp bằng việc đặt hàng tìm một giống cây gai đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu và cung cấp quy trình canh tác.

Từ đó doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trồng cây gai, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm và nghiên cứu công nghệ bóc tách vỏ cây gai, hoàn thiện việc lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất sợi gai. Hiện nay giá trị thương mại của sợi rất cao và nhiều khách hàng nước ngoài đặt hàng sản phẩm.

Như vậy, từ một ý tưởng, liên kết của dự án FIRST với khoảng 20 tỷ đồng, doanh nghiệp đã đầu tư thêm 800 tỷ đồng xây dựng nhà máy và phát triển vùng gai khoảng 2.000 ha, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân ở Thanh Hóa. Từ đó tác động rất lớn đến dịch chuyển cơ cấu cây trồng ở địa phương.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang