Đối phó với dịch Covid-19: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Philippines

author 09:44 23/04/2020

(VietQ.vn) - Nằm trong chuỗi chương trình nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên giảm thiểu các ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, mới đây, APO đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến để chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc và Philippines trong việc đối phó với đại dịch.

Sự kiện: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thời Covid-19

Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan trực tiếp dẫn chương trình buổi tọa đàm. 

Tổng thư ký Tổ chức Năng suất châu Á - APO, Tiến sỹ AKP Mochtan chủ trì buổi tọa đàm cùng sự tham gia của ông Karlo Alexei, Thư ký Nội các, Văn phòng Tổng thống Philippines và Tiến sỹ hLee, Phó Giáo sư đến từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe quốc tế, Bệnh viện Trường Đại học quốc gia Xê-un.

Tiến sỹ AKP Mochtan nhận định, Hàn Quốc là quốc gia đã thành công trong việc nhanh chóng "làm phẳng đường cong" của dịch Covid-19 mặc dù ban đầu có sự lây lan khá mạnh và nhanh của Covid-19. Chính vì thế, kinh nghiệm của Hàn Quốc thực sự là bài học quý báu đối với các quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi loại vi rút này.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Wonjae Lee cho biết, thời gian đầu do mọi người chưa nhận biết được sự nguy hiểm của Covid-19, Hàn Quốc không thực hiện tốt việc giãn cách xã hội và vẫn mở cửa biên giới. Chính vì vậy, không thể kiểm soát được sự lây lan của virut và khiến số lượng các ca nhiễm tăng lên một cách nhanh chóng. Ngay sau đó dựa trên kinh nghiệm đã từng đối phó với dịch MERS trong quá khứ, Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn đối với những người có nguy cơ cao như có lịch sử đi lại cao, có tiếp xúc với người đến từ Trung Quốc, có các triệu chứng của Covid-19.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Wonjae Lee, điều giúp Hàn Quốc thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ngoài việc nghiêm ngặt tuân thủ các quy trình kiểm soát dịch bệnh chung còn nằm ở ba yếu tố chính: Thứ nhất, Hàn Quốc đã theo dõi một cách chặt chẽ những người có tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19 hoặc những người được chuẩn đoán nhiễm Covid-19 thông qua điện thoại di động, phỏng vấn hoặc sử dụng các dữ liệu khác để xác định những người tiếp xúc gián tiếp với những người trên để ngăn chặn họ lây nhiễm với những người khác; Thứ hai, Hàn Quốc đã rất linh hoạt trong việc đưa ra các tiêu chí xét nghiệm cho phép tiến hành xét nghiệm ngay cả với những bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đến từ vùng dịch kể cả chưa có các triệu chứng rõ ràng; Thứ ba, Hàn Quốc nhanh chóng chế tạo được bộ kit thử nghiệm và đưa vào sử dụng chỉ trong vòng 3 tuần.

TS. Wonjae Lee giải thích, để có thể làm được điều này là nhờ vào sự đồng lòng và hỗ trợ của cả khối nhà nước và khối tư nhân. Các công ty tư nhân của Hàn Quốc đã chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm trong vòng 2 tuần và dựa trên chính sách đối phó với các trường hợp dịch bệnh đặc biệt từ dịch MERS, Chính phủ Hàn Quốc đã rút ngắn thời gian cấp phép cho bộ kit để có thể sử dụng trên thị trường xuống còn 1 tuần. Điều này đã cho phép các công ty kịp sản xuất và đưa ra thị trường một cách kịp thời, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trên diện rộng. Bên cạnh đó, lực lượng y bác sỹ từ các bệnh viện tư nhân, quân đội, lực lượng tình nguyện cũng được huy động vào việc tham gia sàng lọc và chữa trị bệnh nhân tại vùng dịch.

Tiến sỹ Wonjae Lee, Phó Giáo sư đến từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe quốc tế, Bệnh viện Trường Đại học quốc gia Xê-un tham gia chia sẻ tại buổi tọa đàm.  

Tại buổi tọa đàm, ông Karlo Alexei, Thư ký Nội các, Văn phòng Tổng thống Philippines cũng chia sẻ kinh nghiệm của Philippines trong cuộc chiến chống lại dại dịch Covid-19. Theo đó, trường hợp nhiễm bệnh tại Philippines được phát hiện đầu tiên vào ngày 30/01/2020 là một nữ du khách đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Ngay sau đó, Chính phủ Philippines đã thành lập Lực lượng ứng phó liên ngành (IATF) để ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch bệnh với sự tham gia của các thư ký nội các khác nhau giúp đề xuất các chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với Covid-19 một cách thống nhất.

Philippines đã nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng chống gồm: cấm đi lại giữa Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Công, Đài Loan từ ngày 2/2/2020. Ngày 6/3/2020, sau khi ghi nhận trường hợp công dân Philippines đầu tiên nhiễm Covid-19, Tổng thống Philippines đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế ở mức độ 1 và đề nghị các lực lượng y tế chuẩn bị sẵn sàng cho các ca nhiễm tăng vọt.

Ông Karlo Alexei, Thư ký Nội các, Văn phòng Tổng thống Philippines, Thành viên của Lực lượng Ứng phó dịch Covid-19 liên ngành tham gia buổi tọa đàm.

 

Theo đó, thủ đô Malina và toàn bộ đảo Luzon được đặt trong trạng thái cách ly cộng đồng từ ngày 16/3 đến ngày 30/4. Bên cạnh đó, việc ban bố dịch trên toàn quốc của Tổng thống Philippines cũng cho phép các cơ quan trung ương và địa phương sử dụng Quỹ ứng phó nhanh vào công tác phòng chống dịch.

Nhìn chung, kế hoạch đối phó với Covid-19 của Philippines bao gồm: Cung cấp thông tin một cách chính xác và kịp thời; Tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn các ca nhiễm mới và thúc đẩy việc phát hiện, nhận dạng và cách ly người nhiễm bệnh; Giảm thiểu các tác hại gây ra đối với kinh tế xã hội và thậm chí là an ninh cá nhân của người dân.

Nhằm giảm thiểu các tác động của Covid-19 lên người dân trong thời gian cách ly xã hội, Chính phủ Philippines quyết định hỗ trợ từ 5000 – 8000 Peso cho khoảng 18 triệu hộ gia đình thu nhập thấp trong tháng 4 và hiện đang xem xét cung cấp hỗ trợ tương tự đối với các hộ gia đình thu nhập trung bình thấp. Philippines cũng đang nỗ lực chế tạo và tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực để nâng khả năng thực hiện từ 3.000 lên 10.000 xét nghiệm/ngày nhằm đối phó với Covid-19 trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của khán giả về cách thức đối phó với Covid-19 trong thời gian tới, Tiến sỹ Wonjae Lee chia sẻ, sự khác nhau giữa Covid 19 và MERS là Covid-19 có thể không gây tử vong nhiều như MERS nhưng loại virut này lại có diễn biến phức tạp hơn. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng hoặc có thể không và có tốc độ lây nhiễm cao, khi đã xuất hiện triệu chứng thì lượng virut trong cơ thể đã khá nhiều.

Dự đoán tình hình dịch có thể còn kéo dài cho đến hết năm hoặc thậm chí là sang năm. Do vậy, cách tốt nhất và cơ bản nhất mà người dân nên thực hiện là rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Tầm nhìn và chiến lược mới của APO cần thể hiện và đáp ứng thách thức của thời đại(VietQ.vn) - Nhằm khẩn trương hoàn thiện Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã tổ chức Hội nghị lần thứ ba Ban chỉ đạo xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO theo hình thức trực tuyến vào ngày 27/3/2020.

Thanh Sơn (Vụ HTQT)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang