Đối tác nhập khẩu cảnh báo chất cấm trong thủy sản Việt Nam xuất khẩu

author 18:20 03/11/2015

(VietQ.vn) - 9 tháng đầu năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của 24 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh.

9 tháng đầu năm 2015, đã có nhiều lô hàng thủy sản của 24 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh.

Báo động chất cấm trong thủy sản xuất khẩu

Phần lớn những lô hàng bị đối tác nhập khẩu cảnh báo dư chất cấm nằm trong các DN, đại lý có thu gom hàng từ những cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ 

Đặc biệt, thị trường EU đã cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện rõ rệt về dư lượng hóa chất trong thủy sản của Việt Nam, họ sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đây là nội dung được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công bố tại hội thảo kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu mới đây.

Theo đó, số lô hàng của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm trong 9 tháng đầu năm 2015 là 165 lô, tăng sáu lô so với cả năm 2014.

Số lô hàng bị các thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014.

Điều đáng báo động là cả 3 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU đều phát hiện và cảnh báo về những lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc kháng sinh.

Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, phần lớn những lô hàng bị đối tác nhập khẩu cảnh báo dư chất kháng sinh nằm trong các DN, đại lý có thu gom hàng từ những cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ khác nhau và gộp chung thành một lô nguyên liệu để cung cấp cho các cơ sở chế biến.

“Rất nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chưa tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc kháng sinh trước ngày thu hoạch. Đáng báo động, một số cơ sở nhỏ lẻ còn lạm dụng những loại hóa chất, kháng sinh cấm để điều trị bệnh hay cho vào thức ăn chăn nuôi nhằm làm giảm giá thành. Chính vì vậy, công việc lấy mẫu thẩm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm từ các DN rất khó phản ánh được hiện trạng sử dụng thuốc”, ông Tiệp cho hay.

Số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm đã giảm hơn 17% so cùng kỳ năm 2014. Bộ NN&PTNT nhận định, thủy sản xuất khẩu bị nhiều thị trường cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh cao, khả năng cạnh tranh trong thời gian tới cũng rất khó khăn, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ mất dần thị trường và ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu trên thị trường thế giới.

Trước tình hình này, Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, DN cần thay đổi tư duy xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, còn nếu cứ mua nguyên liệu trôi nổi để chế biến xuất khẩu thì sẽ không tránh khỏi hàng thủy sản của chúng ta tiếp tục bị nhiễm, dư lượng thuốc kháng sinh. “Trước mắt, Bộ NN và PTNT sẽ xây dựng và triển khai chương trình mang tính đặc thù là chương trình kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi trồng từ nay đến cuối năm. Nafiqad sẽ chủ trì soạn thảo chương trình, có mục tiêu, nội dung cụ thể và nêu rõ trách niệm các đơn vị, hiệp hội, địa phương”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang