Đơn hàng dệt may tương đối dồi dào trong 2 tháng đầu năm

author 19:29 04/03/2021

(VietQ.vn) - Sở dĩ xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm 2021 là do sau 1 năm sống chung với đại dịch, các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp.

Từ đầu năm đến hết tháng 02/2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may cho thấy sự phục hồi rõ rệt sau khi trải qua năm 2020 nhiều thách thức bởi tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, sở dĩ xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau 1 năm sống chung với đại dịch, các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Cùng với đó, việc các nước liên tục đưa vắc xin vào tiêm cho người dân cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại. Trong khi nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp lo thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì dệt may lại khá khác biệt khi đơn hàng tương đối dồi dào.

 
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
 

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

“Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020”, ông Trường cho hay.

Ngành dệt may Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD năm 2021. Ảnh minh họa.

Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD. Nhận định kế hoạch này khả thi, ông Vũ Đức Giang chỉ rõ nguyên nhân là bởi ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được như châu Âu. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch. Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách...

Indonesia áp thuế chống phá giá một số hàng dệt may Trung Quốc(VietQ.vn) - Một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thảm trải sàn chính thức bị áp thuế chống bán phá giá tại Indonesia.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang