Đón sóng dịch chuyển chuỗi ung ứng toàn cầu: Việt Nam cần là ‘mảnh đất’ tạo giá trị bền vững!

author 15:29 15/05/2020

(VietQ.vn) - Để đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi ung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, Việt Nam cần là “mảnh đất” tạo ra những giá trị bền vững, bởi với thế giới hiện đại, bền vững là cơ sở của sự phát triển lâu dài.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc

Từ lâu, chúng ta vốn không thể phủ nhận vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước năm 2018 khi Hoa Kỳ tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc, các công ty đa quốc gia đã phải cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại đất nước này. Đặc biệt, đã xuất hiện làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc do chi phí nhân công tăng, đối thủ địa phương ngày càng cạnh tranh khốc liệt và hệ thống quy định kém thân thiện khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại…

Cùng với đó, theo chiến lược "Trung Quốc cộng 1", các công ty sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á và một số quốc gia khác, đồng thời vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc và các thị trường bên ngoài Mỹ. Và Việt Nam đang có lợi thế rất lớn bởi chúng ta đã có đà là một quốc gia tử tế nhờ sự thành tâm và tốt bụng với thế giới, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19 vừa rồi.

Cơ hội “gõ cửa” Việt Nam

Để đón bắt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng không đơn thuần là Việt Nam sẽ thay Trung Quốc sản xuất những thương phẩm có giá trị thấp, đánh đổi bằng ô nhiễm môi trường, trái lại, cơ hội của Việt Nam nằm ở cách thức chúng ta tạo thêm giá trị cho chuỗi cung ứng toàn cầu khi họ đặt ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Tập đoàn Giovanni.

Với vai trò là Chủ tịch Tập đoàn Giovanni – thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) xoay quanh câu chuyện trên, ông Nguyễn Trọng Phi cho biết, xét riêng với ngành dệt may, da giày, xưa nay Việt Nam luôn nằm trong top đầu các quốc gia sản xuất cho thế giới và luôn sau Trung Quốc. Cũng từ năm 2018, các doanh nghiệp Việt đã nhanh nhạy chuẩn bị cho luồng dịch chuyển chuỗi cung ứng này. Covid-19 được ví như “giọt nước tràn ly” khiến sự dịch chuyển đó đến nhanh và dồn dập hơn những dự tính ngỡ tưởng sẽ tốn nhiều thời gian. 

Ở phân khúc sản phẩm thời trang thuộc phân khúc phổ thông, “made in Vietnam” đã quá phổ biến. Với phân khúc cao hơn, “made in Vietnam” tuy không nhiều nhưng cũng không phải hiếm khi các nhà mốt của Mỹ, Đức hay Anh Quốc đã dần biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất quan trọng của họ. 

Riêng phân khúc sản phẩm thời trang hạng sang, “made in China” được xem là không đẹp mắt lắm trong tâm trí nhiều người. Các nhà mốt sử dụng lông thú hoặc xưởng may ở Trung Quốc vẫn bị các tổ chức bảo vệ môi trường lên án gay gắt vì sử dụng nhân công rẻ mạt trong điều kiện lao động tồi tệ và ngược đãi động vật.

Với phân khúc thời trang cao hơn, “made in Vietnam” tuy không nhiều nhưng cũng không phải hiếm khi các nhà mốt của Mỹ, Đức hay Anh Quốc đã dần biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất quan trọng của họ. 

Trong ngành dệt may, ngoài hệ thống gia công truyền thống, Việt Nam có rất nhiều cơ sở sản xuất chất lượng cao. Ở một viễn cảnh dài hơn, ngoài việc trở thành công xưởng thay Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên trở thành “xưởng chế tác sản phẩm cao cấp” của thế giới, là nơi các thương hiệu đề cao giá trị của thủ công, kỹ nghệ tinh xảo tìm đến để duy trì những di sản gắn liền với các nhà mốt hạng sang.

“Cũng vì lẽ đó, Giovanni Group ngoài việc liên tục đầu tư phát triển xưởng sản xuất thời trang kỹ nghệ cao theo mô hình atelier của Italy, Tập đoàn còn hướng tới phát triển nhà máy sản xuất có quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu hạng sang, góp phần tạo ra giá trị cho quốc gia trong bối cảnh toàn cầu mới.

Có như vậy, câu chuyện về chuỗi cung ứng toàn cầu mới mang tới điểm khác biệt cho Việt Nam bởi với thế giới hiện đại, chỉ có những giá trị bền vững mới là cơ sở của sự phát triển lâu dài”, ông Phi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc thì cơ hội của Việt Nam là vô cùng lớn. Chúng ta đang có những lợi thế nhất định trong việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài, điều quan trọng bây giờ là cách chúng ta tiếp cận, tận dụng thời cơ này.

Ông Toàn cho hay, thời cơ này không dễ gì lặp lại, nếu không có những chính sách nỗ lực kịp thời chúng ta lại để tuột mất. Đơn cử như Samsung cũng có kế hoạch tăng cường đưa nhà máy vào Việt Nam. Hay Apple của Mỹ cũng sản xuất tai nghe ở Việt Nam với sản lượng lớn. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành, những tín hiệu rất tích cực.

Ông Toàn cũng nhấn mạnh, chúng ta không thể “ôm” hết, chúng ta phải lựa chọn, ưu tiên công nghệ cao, có chuyển giao, những gì có thể lan toả cả doanh nghiệp trong nước, tránh xa công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được một số điểm bất lợi của Việt Nam như quy mô thị trường còn nhỏ bé. Bên cạnh đó, những vấn đề về chính sách, thủ tục còn cần cải thiện hơn nữa…

Bộ Chính trị vừa thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TQ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ cũng đã chính thức ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. 

Có thể thấy Nghị quyết đưa ra các nội dung toàn diện sâu sắc, những bước đi tương đối chuẩn trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ Việt Nam phải thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trọng điểm, không ưu đãi tràn lan mà sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo các tiêu chí như mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, R&D…

 

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế(VietQ.vn) - Ông Phạm Thạm Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Lê Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang