Đón 'sóng' EVFTA: Vận hội thuộc về những thương hiệu táo bạo nhất!

author 07:39 15/02/2020

(VietQ.vn) - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tự tin khẳng định, EVFTA mang lại cơ hội rộng mở chưa từng có cho doanh nghiệp Việt khi xuất hàng sang châu Âu.

Theo đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA là cơ hội cho các mặt hàng, đặc biệt mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giày; nông sản, gỗ… Tuy nhiên, để vào thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt, đặc biệt về vấn đề truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "EVFTA sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam" 

Cơ hội lớn từ EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, dự báo sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng GDP hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%...

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA gồm những nội dung có yêu cầu cao, khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác như CPTTP. Do đó, lợi thế của EVFTA không đơn thuần là giảm hoàn toàn hàng rào thuế quan về 0% cho gần như 100% hàng hóa của hai bên mà những nội dung của hiệp định còn hàm chứa những hoạt động cải cách của hai bên để tạo môi trường thuận lợi minh bạch, công khai cho sự phát triển thuận lợi đối với các hoạt động của cả nền kinh tế, xã hội chứ không chỉ cho riêng hoạt động kinh tế, thương mại.

“Như tính toán của các nhà nghiên cứu, Hiệp định EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam. Dự tính, mức đóng góp vào tăng trưởng GDP là hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%... Mặc khác, việc Việt Nam trở thành thành thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN thì EVFTA sẽ giúp nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Bộ trưởng tiếp tục lấy dẫn chứng, nếu chúng ta vẫn thiếu cơ chế quy định chặt chẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với điều kiện của ATTP cũng như chất lượng sản phẩm gắn với điều kiện kiểm dịch động vật thực vật của các thị trường, nếu chúng ta không đảm bảo được những sản xuất hữu cơ của sản phẩm nông nghiệp mà tiếp tục lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu... thì chừng đó chúng ta sẽ còn rất khó khăn tại thị trường này cho dù ta có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải sớm triển khai việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt là hệ thống các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bộ Nông nghiệp cần sớm nghiên cứu ban hành để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, đáp ứng yêu cầu chung của thương mại quốc tế.

“Phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gắn với kỹ thuật và canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi để đảm bảo các sản phẩm này đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của cả châu Âu cũng như các đối tác thương mại khác. Cuối cùng là phải nghiên cứu quy luật thị trường để hình thành chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp để khai thác cơ hội thị trường tại EU”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 Chủ tịch Giovanni Group Nguyễn Trọng Phi: "Trong bối cảnh kinh tế song phương Việt Nam - EU ở giai đoạn mới này, vận hội thuộc về những thương hiệu táo bạo nhất".

Doanh nghiệp sẵn sàng

Để đón đầu cơ hội từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã và đang có sự thay đổi tích cực nhằm đón đầu cơ hội được dự báo rất lớn từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ EVFTA.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ chia sẻ, thách thức của EVFTA đặt ra cho ngành gỗ là không hề nhỏ vì EU đã dựng lên rào cản kỹ thuật lớn là xác định nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất. Do đó, SADACO đã có sự chuẩn bị cả về thông tin thị trường và nguồn nguyên liệu phù hợp những tiêu chuẩn của EU.

 EVFTA có quy định xác định quy tắc xuất xứ là từ vải trở đi, do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh.  

 

Còn đối với Công ty Thực phẩm Sao Ta – doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tôm tinh chế sang EU đã kết hợp chặt chẽ với người nông dân để có được nguồn nguyên liệu chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc là một trong những yếu tố quan trọng đối với sản phẩm xuất khẩu vào EU, việc hợp tác này sẽ giúp kim ngạch XK vào EU gia tăng và bền vững.

Nhìn nhận về cơ hội EVFTA mang lại, ông Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch Giovanni Group nhận định, với lợi thế nhân công giá rẻ hơn rất nhiều so với tại châu Âu, Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế tại thị trường này, trong đó, dệt may, da giày vốn là thế mạnh của chúng ta. EVFTA cũng mở đường cho hàng hóa từ châu Âu chảy vào thị trường Việt Nam. Đối với doanh nghiệp EU, hiệp định này đảm bảo cho họ môi trường đầu tư rất thuận lợi tại thị trường Việt Nam - vốn là thị trường có dân số trẻ, thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi có sức tiêu thụ tốt. 

Đối với ngành thời trang, theo ông Phi, EVFTA mang lại cơ hội rộng mở chưa từng có cho doanh nghiệp Việt khi xuất hàng sang châu Âu. Tuy chúng ta có nhiều ràng buộc về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất nhưng về tổng thể, cơ hội chinh phục thị trường EU là rất tươi sáng.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Giovanni Group cũng đánh giá, mọi thứ đều có 2 mặt, khi Việt Nam được rộng cửa đi vào EU thì các doanh nghiệp EU cũng rộng cửa vào Việt Nam. Ông dẫn chứng, trước EVFTA, các thương hiệu từ châu Âu còn vướng rào cản thuế quan và phi thuế quan khi gia nhập thị trường Việt Nam nhưng giờ đây, họ đã được tháo bỏ những vướng mắc đó. Và vì vậy, thay vì phải order hàng từ nước ngoài, mua đồ xách tay hay đi du lịch để mua sắm, chắc chắn, các hãng thời trang được ưa chuộng sẽ tiếp cận rất nhanh chóng và dễ dàng. Điều này tạo ra sức ép lớn cho các doanh nghiệp thời trang vốn chỉ tập trung vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Phi, ở phân khúc cao cấp như của Giovanni, câu chuyện lại tương đối khác. Một mặt, Giovanni có kiến thức và kinh nghiệm đối với thị trường bản địa mà không phải doanh nghiệp ngoại quốc nào cũng có thể nắm bắt được. Các sản phẩm thời trang nếu mang thẳng từ EU sang Việt Nam sẽ không thể thích ứng với thị trường nơi đây, ví như độ vừa vặn với hình thể con người hay khả năng chịu đựng thời tiết nóng ẩm của các loại da, keo, kim loại... Những khó khăn này sẽ khiến các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường phải tốn thời gian nghiên cứu trong khi Giovanni đã hoàn thiện từ cả chục năm nay. Giovanni sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là từ nay, việc tiếp cận các nguồn cung nguyên phụ liệu, sản phẩm từ EU sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết.

Sản phẩm hướng tới sự hoàn hảo và chất lượng tốt nhất, đậm nét phong cách Ý đó là thành công của Giovanni. 

 

"Thay vì phải chi trả nhiều khoản thuế khi nhập da, vải hay các sản phẩm made in Italy thẳng từ xưởng da hàng trăm năm tuổi như nhiều năm qua, giờ đây, Giovanni có thể cân đối lại các loại chi phí để không những mang tới cho thị trường Việt những sản phẩm cao cấp, tinh xảo có mức giá dễ tiếp cận hơn mà đây sẽ là cơ hội để Giovanni có thể chinh phục người tiêu dùng Việt ở những sản phẩm còn đỉnh cao hơn nữa", ông nói.

Chủ tịch Giovanni Group tái khẳng định, trong bối cảnh kinh tế song phương Việt Nam - EU ở giai đoạn mới này, vận hội thuộc về những thương hiệu táo bạo nhất. Với sứ mệnh mang tới cho người tiêu dùng Việt những sản thời trang cao cấp mang thương hiệu Giovanni có xuất xứ từ châu Âu trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết!

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Vinatex cho biết, EVFTA có quy định xác định quy tắc xuất xứ là từ vải trở đi. Do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh. Vì vậy, Vinatex rất chú trọng vào các công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũng không còn phù hợp… Vinatex cũng đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và về phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp để hiểu rõ các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA. Định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ.

Với các doanh nghiệp thủy hải sản, thời gian qua, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch truyền thông để quảng bá hình ảnh thủy sản tại EU nhằm chuyển những thông tin về cải thiện chất lượng, đáp ứng các yêu cầu nuôi trồng mà người tiêu dùng ở thị trường này đưa ra. Đồng thời thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, triển lãm thủy sản tại những quốc gia ở khu vực EU để giới thiệu sản phẩm cá tra chất lượng tới người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã xác định phải hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Hiệp định EVFTA: Việt Nam cam kết xóa bỏ 99% số dòng thuế nhập khẩu từ EU trong vòng 10 năm(VietQ.vn) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang