Đóng băng hoạt động gây căng thẳng biển Đông, ASEAN cần làm gì?

author 06:37 23/08/2014

(VietQ.vn) - Tại hội nghị AMM47 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đều đặt câu hỏi: ASEAN cần phải làm gì trước tình hình biển Đông đang có diễn biến phức tạp?

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Quang Vinh (ảnh) đã có buổi trao đổi với báo chí về kết quả hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM47)

Thưa ông, tại dịp AMM 47 vừa qua hàng loạt sáng kiến đảm bảo môi trường hòa bình ổn định khu vực, trong đó Philippines, Mỹ có đề xuất đóng băng hoạt động gây căng thẳng biển Đông? Vậy Hội nghị đã nhìn nhận đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Chúng ta đều biết AMM47 vừa rồi họp trong bối cảnh hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông xuất hiện những mối đe dọa. Chính vì vậy các Ngoại trưởng ASEAN đã phải bàn rất kỹ nhằm đánh giá tình hình và những thách thức đặt ra; ASEAN cần phải làm gì;  những biện pháp cụ thể sắp tới sẽ ra sao?

Thông qua văn kiện, những trao đổi và phát biểu của các Ngoại trưởng đã nổi lên mấy điểm:

Thứ nhất ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình diễn biến phức tạp vừa qua có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực cũng như môi trường hòa bình và hợp tác chung ở khu vực

Thứ hai, hơn bao giờ hết ASEAN thấy rằng phải nhấn mạnh các nguyên tắc đã có được các nước công nhận đó là tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm: công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận khu vực trong đó có tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Thứ ba  các ngoại trưởng đã thảo luận rất kỹ về đảm bảo việc thực hiện hiệu quả tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC, đặc biệt là điều 5. Theo đó, điều 5 quy định các bên phải thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình. Các Bộ trưởng cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định này thông qua việc lập danh sách về những việc cần phải làm và những việc không được làm; xây dựng cơ chế, đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách đầy đủ, hiệu quả.

Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc  cần sớm có bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc trên biển Đông (COC) quy định hành vi ứng xử của các bên trên biển Đông; tạo dựng các cơ chế ngăn ngừa xung đột và kiểm soát xung đột.

Cùng với việc bảo đảm thực hiện DOC và đẩy nhanh tiến trình xây dựng  bộ quy tắc ứng xử COC thì có rất nhiều biện pháp có thể triển khai được ngay mà người ta gọi là các biện pháp “thu hoạch sớm” như: xây dựng đường dây nóng để khi có những sự cố, có những tranh chấp có thể nảy sinh thì các bên có thể liên lạc với nhau và có những biện pháp để kiềm chế; thực hiện những biện pháp về tìm kiếm, cứu nạn….

Quay trở lại đề nghị của Philippines, Hội nghị AMM 47 đã  ghi nhận .Bất cứ một sáng kiến nào được nêu ra nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực  thì chắc chắn sẽ được ASEAN xem xét  có phù hợp với những quan điểm, định hướng của ASEAN hay không.

Để có được vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc gìn giữ hòa bình an ninh khu vực phải đòi hỏi các nước thành viên đoàn kết thống nhất tuy nhiên trong những năm gần đây không phải lúc nào cũng đạt được tinh thần này. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

10 nước ASEAN là 10 nước có chế độ chính trị, xã hội, trình độ phát triển kinh tế và lịch sử văn hóa rất khác nhau. Vì vậy khi đã ngồi lại với nhau thì đã có chung một số nguyên tắc và mục tiêu rồi.

Tuy nhiên, trong cả chặng đường phát triển, khi đi vào xử lý những vấn đề cụ thể nảy sinh, không chỉ trên lĩnh vực chính trị, an ninh mà kể cả kinh tế…tất cả đều có sự khác biệt. Vì vậy tiếng nói chung quan trọng nhất vẫn  là dựa trên các nguyên tắc và tìm ra  lợi ích song trùng  ở đâu.

Trong vấn đề Biển Đông cũng vậy, ASEAN có những chia sẻ của mình. Cụ thể, môi trường hòa bình, an ninh an toàn hàng hải không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của  những nước có tranh chấp mà đối với tất cả các nước có liên quan bởi vì đây là khu vực tuyến đường giao thông chiến lược và những lợi ích chiến lược biển rất lớn.

Trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, thách thức lớn nhất mà ASEAN đang gặp phải là gì?

Thách thức đặt ra là làm sao các bên có tranh chấp trên biển giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước luật biển. Nhưng không phải lúc nào chuyện này cũng xảy ra. Vì vậy, thách thức lớn nhất của ASEAN lúc này là làm sao những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, những quy định của công ước luật biển kể cả công ước liên quan đến thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển và những thỏa thuận khu vực trong đó có thỏa thuận DOC được thực hiện trên thực tế.

Vậy trước quyết tâm xây dựng COC của ASEAN, Trung Quốc đã có phản ứng như thế nào?

Trong thời gian 2 năm gần đây Trung Quốc và ASEAN đã có những bước chuyển nhưng chưa đủ mạnh . Cụ thể Trung Quốc từ việc xem xét điều kiện chín muồi đã chuyển sang giai đoạn chính thức đi vào tham vấn chia sẻ một cách thực chất về mục tiêu, cấu trúc và các thành tố của COC. Từ đây hai bên đã nhất trí tăng tần suất  tham vấn chia sẻ với nhau. Theo đó dự kiến trong tháng 9 tới sẽ diễn ra cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) ASEAN-Trung Quốc đặc biệt và tháng 10 sẽ là SOM ASEAN-Trung Quốc định kỳ tiếp tục bàn về COC và DOC.

Tuy nhiên quan điểm của ASEAN muốn Trung Quốc sớm đi vào đàm phán thực chất ngay trước tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Tại Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 và Diễn đàn biển mở rộng lần thứ 3 diễn ra sắp tới, xin ông cho biết vai trò của Việt Nam như thế nào?

Tại 2 diễn đàn Biển lần này, chúng ta đứng ra đăng cai và sẽ chủ động tham vấn với các nước đề xuất những chủ đề cho từng phiên họp như: kiểm điểm tình hình hợp tác vừa qua; kiểm điểm việc thực hiện công ước của Liên hợp quốc về Luật biển; kinh nghiệm hợp tác trong khu vực, liên quan đến cứu trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai, nghiên cứu môi trường biển và đảm bảo môi trường biển…

Đặc biệt, những vấn đề  liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải, những biện pháp bảo đảm kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, cũng sẽ được mang ra thảo luận.

Những chủ đề trên đều nhận được sự hưởng ứng của các nước ASEAN vqua việc  cử những quan chức cấp cao tới dự. Hy vọng diễn đàn lần này sẽ đưa ra những khuyến nghị trong việc hợp tác biển cũng như an ninh an toàn hàng hải.

Tuyết Trịnh (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang