Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?

author 14:06 21/07/2017

(VietQ.vn) - Một số người dân cho rằng, việc bến xe di chuyển ra ngoại thành sẽ khiến việc đi lại của họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người phải thường xuyên di chuyển bằng xe khách.

Mới đây, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội vừa hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến các sở ban ngành, Hiệp hội nghề nghiệp để thực hiện “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?


Bến xe Giáp Bát là một trong những bến xe lớn nhất của Thủ Đô.
 Ảnh: Lan Lan


Cụ thể, để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe trong khu vực nội đô, thành phố Hà Nội lên phương án xây 75 điểm đỗ xe ngầm, nổi trong 2 năm tới. Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách.

Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?


Bến xe Gia Lâm là một trong những bến xe sẽ được chuyển thành các bãi đỗ xe công cộng và bãi trung chuyển. Ảnh: Lan Lan

 

Đồng thời, cũng theo quy hoạch này, các bến xe nằm trong khu vực nội thành như: Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm và Mỹ Đình sẽ được chuyển thành các bãi đỗ xe công cộng và bãi trung chuyển. Đặc biệt, đến năm 2020 sẽ cho đóng cửa 2 bến xe lớn là Giáp Bát và Gia Lâm, hai bến xe Nước Ngầm và Mỹ Đình đến năm 2030 cũng phải dừng hoạt động.

Được biết, tại bến xe Giáp Bát có tổng số hơn 300 đầu xe vận chuyển khách với hơn 1.000 tuyến mỗi ngày từ Giáp Bát đến các tỉnh như: Thanh Hóa, Thái Bình, Đà Nẵng, Nam Định…

Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?

Hai bến xe Nước Ngầm và Mỹ Đình đến năm 2030 cũng phải dừng hoạt động. Ảnh: Lan Lan

Trao đổi với PV Chất Lượng Việt Nam Online, tại bến xe Giáp Bát, anh Hoàng Ngọc Sang - đại diện nhà xe Hải Hà (chạy tuyến Giáp Bát – Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho hay: “Nhà xe cũng đã biết về thông báo này và đã họp bàn để đưa ra hướng triển khai mới. Tuy nhiên, bước đầu nếu bến xe Giáp Bát đóng cửa, nhà xe sẽ chuyển về bến xe Nước Ngầm. Ngoài ra, nhà xe cũng không có ý định sẽ chuyển chạy sang các tỉnh khác vì đã có lượng khách khá ổn định với tuyến Hà Nội rồi. Không những thế, 2 bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát cũng cách nhau không xa nên nhà xe có thể khắc phục được”.

Cùng quan điểm với nhà xe Hải Hà, lái xe Lê Đăng Quân - nhà xe Đông Lý (chạy tuyến Giáp Bát – Thanh Hóa cũng cho biết: “Hiện tại, nhà xe chưa có kế hoạch cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhà xe sẽ theo sự chỉ đạo và điều động của cơ quan chức năng, cũng như Sở GTVT khi có quyết định cụ thể”.

Một số nhà xe khác tại bến xe Giáp Bát và Gia Lâm cũng thể hiện sự đồng tình đối với việc quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách và cho rằng sẽ một phần giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô.

Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?
Anh Lê Đăng Quân - nhà xe Đông Lý (tuyến Giáp Bát – Thanh Hóa) cho hay: “Nhà xe sẽ theo sự chỉ đạo và điều động của cơ quan chức năng, cũng như Sở GTVT khi có quyết định cụ thể…”. Ảnh: Lan Lan 

Bên cạnh đó, một số người dân cũng cho rằng, việc dừng hoạt động các bến xe trong khu vực nội thành sẽ giúp giao thông thuận lợi hơn.

Chị Lê Liên (SV Trường Đại học Văn hóa) chia sẻ: “Tôi thường đi về quê Thanh Hóa tại bến xe Giáp Bát, nếu bến xe này chuyển ra ngoại thành thì tôi thấy khá hợp lý. Quãng đường đi từ Giáp Bát để ra đường cao tốc khá đông và thường xảy ra ách tắc, nhiều hôm về quê đúng lúc giờ cao điểm cũng phải hơn 30 phút mới ra được cao tốc, nếu chuyển bến xe ra ngoại thành có lẽ sẽ giảm ách tắc giao thông hơn”.

“Nếu sắp tới dừng hoạt động bến xe Giáp Bát tôi sẽ chuyển sang bến Nước Ngầm để về quê, tôi ở gần cả 2 bến xe này nên cũng không có khó khăn trong việc đi lại”, Chị Oanh (trú tại Thanh Trì – Hà Nội) cho hay.

Đóng cửa bến xe Giáp Bát, Gia Lâm vào năm 2020: Nhà xe và người dân nói gì?

Trong lúc ngồi tại nhà chờ của bến xe Giáp Bát, chị Oanh (trú tại Thanh Trì – Hà Nội) chia sẻ: “Nếu dừng hoạt động của bến xe Giáp Bát cũng không ảnh hưởng gì đến vấn đề đi lại của mình…”. Ảnh: Lan Lan

Tuy nhiên, một số người dân khác lại cho rằng, việc bến xe di chuyển ra ngoại thành sẽ khiến việc đi lại của họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người phải thường xuyên di chuyển bằng xe khách.

Chị Hoài (trú tại Bồ Đề - Long Biên) - người thường xuyên đi bến xe Gia Lâm lại cho rằng, dừng hoạt động của bến xe này là bất hợp lý. Theo chị Hoài cho biết, chị quê ở Bắc Giang và thường về quê bằng xe khách tại bến xe Gia Lâm. Nếu bến xe này chuyển đi nơi khác như Mỹ Đình chẳng hạn, thì chị phải bắt xe bus khoảng 20km mới có thể đến bến để về quê.

“Chắc một năm mới dám về nhà một lần bởi đi xe khách đã mệt rồi, đằng này còn phải đi xe bus xa thế, chắc tôi chẳng chịu nổi”, chị Hoài nói thêm.

Ngoài ra, từ thực tế trên, quy hoạch cũng đưa ra nguyên tắc, các bến xe khách liên tỉnh từ nay đến năm 2030 sẽ được tổ chức, quy hoạch trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ và vành đai; tại các vị trí kết nối thuận tiện với giao thông công cộng…
Cùng với đó, quy hoạch đưa ra lộ trình, đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 7 bến xe mới, với tổng diện tích 73 ha. Mục đích, di chuyển các bến trong khu vực nội thành ra và phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn của người dân.
Cụ thể gồm các bến xe được xây mới: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn 10 ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm 10 ha); bến xe Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng 15 ha); Phía Tây (Hoài Đức 5 ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì 11 ha)…
 
   

 Lan Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang