Đong điêu, cân điêu phải trả chi phí kiểm tra

author 10:21 23/10/2012

(VietQ.vn) – Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đo lường phải trả kinh phí kiểm tra. Với quy định này, người dân hy vọng cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra, lấy mẫu nhiều hơn và công khai, trung thực công bố kết quả.

Kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2012.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.

Trưa 27/9, công an và đội quản lý thị trường Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã niêm phong các trụ bơm xăng và toàn bộ hóa đơn, chứng từ của cây xăng Lan Anh (Doanh nghiệp thương mại vận tải Lan Anh) tại số 220 quốc lộ 13 (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do nghi ngờ gian lận. Ảnh: Trung Hiếu
Trưa 27/9, công an và đội quản lý thị trường Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã niêm phong các trụ bơm xăng và toàn bộ hóa đơn, chứng từ của cây xăng Lan Anh (Doanh nghiệp thương mại vận tải Lan Anh) tại số 220 quốc lộ 13 (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do nghi ngờ gian lận. Ảnh: Trung Hiếu

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giúp Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường trong phạm vi địa phương.

UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán buôn, bán lẻ khác trên địa bàn đối với phép đo, phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn.

Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính về đo lường, Thanh tra viên khoa học và công nghệ là thành viên đoàn kiểm tra hoặc Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý hoặc chuyển cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Xác định thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật về đo lường

Nghị định cũng quy định cụ thể cách xác định thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật về đo lường để làm căn cứ xử lý vi phạm.

Theo đó, thu lợi bất chính là số tiền thu được do vi phạm pháp luật về đo lường thuộc 1 trong 2 trường hợp:

1- Thu lợi bất chính từ sản xuất, nhập khẩu, bán hàng đóng gói sẵn mà lượng cửa hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường, do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2- Thu lợi bất chính từ thực hiện phép đo trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai lệch quá giới hạn sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép đo do do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Số tiền thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật đo lường được tính bằng lượng hàng hóa, dịch vụ sai lệch về đo lường nhân với giá của hàng hóa, dịch vụ.

Nơi nào sai phạm phải trả kinh phí kiểm tra

Một trong những điểm quan trọng của Nghị định là tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đo lường thì tổ chức, cá nhân vi phạm đó phải hoàn trả kinh phí lấy mẫu kiểm tra cho cơ quan thực hiện kiểm tra.

Với quy định này, các cơ quan chức năng sẽ bớt “ghánh nặng” về kinh phí lấy mẫu. Qua đó, người dân cũng hy vọng, các cơ quan nhà nước sẽ đi lấy mẫu các mặt hàng trên thị trường nhiều hơn, công khai công bố các kết quả để người dân biết những nơi kinh doanh đúng pháp luật, biết được nhửng “điểm đen” cân, đo không chính sách.

Phương Đông

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang