Đồng hành cùng doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh toàn cầu

author 18:08 09/12/2014

(VietQ.vn) - Các cơ chế, chính sách đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, hướng đến tạo thế và lực cho doanh nghiệp, sản phẩm, nhà khoa học Việt Nam khẳng định vị thế, cạnh tranh vững vàng trên thị trường.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, hiện Bộ đã xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Cốt lõi là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào doanh nghiệp có tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao. Hàng hóa, năng suất lao động của chúng ta có cạnh tranh được hay không chính là phải dựa vào KH&CN. 

Khoa học và Công nghệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam

Khoa học và Công nghệ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Ảnh: N. N

Thưa Bộ trưởng, Bộ có chính sách hỗ trợ nào để sản phẩm trong nước để tinh thần nghị định 115 và 80 đi vào cuộc sống?

Nghị định 115 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2005, Nghị định 80 ban hành năm 2007. Đến nay, các nghị định này ban hành đã 7 -9 năm tổ chức thực hiện, nhưng nhiều nhà khoa học còn cho rằng chưa thực sự đi vào cuộc sống do nhiều vướng mắc mà chủ yếu là vướng mắc do hệ thống văn bản pháp luật chúng ta chưa đồng bộ.

Trong thời gian 3 năm gần đây, Bộ KH&CN có các tác động mạnh để đưa cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vào cuộc sống. Đầu tiên là việc sửa hai nghị định này bằng Nghị định 96 ban hành năm 2010. Bổ sung điều khoản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và quan trọng hơn là tạo môi trường để các tư tưởng đổi mới của hai nghị định này hiện thực hóa trong đời sống. Bằng việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 chương trình KH&CN cấp quốc gia. Trong đó có 3 chương trình lớn do lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Đó là Chương trình sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Ngoài ra, còn có 7 chương trình quốc gia khác giao cho Bộ KH&CN trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cụ thể như Chương trình hỗ trợ cho các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và các trung tâm kỹ thuật TCĐLCL các địa phương (Chương trình 317); Chương trình hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thành lập doanh nghiệp KH&CN (Chương trình 592); Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712).

Gần đây là Chương trình hội nhập quốc tế về KH&CN, Chương trình phát triển thị trường KH&CN. Trước đó là có 3 chương trình nhỏ có lịch sử phát triển từ giai đoạn trước như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68); Chương trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông thôn miền núi (Chương trình nông thôn miền núi); Chương trình hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Chương trình TBT).

Với 10 chương trình quốc gia nói trên, Bộ KH&CN đã xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Cốt lõi là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào doanh nghiệp có tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao.

Trong đó có 3 chương trình lớn, lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, các bộ, ngành tham gia, hướng đến tạo ra sản phẩm có giá trị lớn, giá trị gia tăng cao cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng phê duyệt 9 sản phẩm quốc gia để tập trung nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Trong đó có 6 sản phẩm chính thức là lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; phần mềm, an ninh mạng;  thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; an ninh quốc phòng; vacin. Các sản phẩm dự bị như cá da trơn; nấm ăn, nấm dược liệu; chip điện tử…

Đến nay, sau khi khởi động được khoảng 1 năm qua đã có những sản phẩm mang lại chất lượng rất tốt. Những sản phẩm được xác định là sản phẩm quốc gia, đã có các dự án đề tài giao cho các đơn vị có tiềm lực, hứa hẹn đem lại kết quả có thể ứng dụng được và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia cũng như vậy, đầu tư chủ yếu cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho chương trình này, Chính phủ cũng đã thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia bênh cạnh nó là Quỹ phát triển KH&CN. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1000 tỷ, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp KH&CN.

Chương trình Quốc gia về phát triển công nghệ cao cũng đã đi vào hoạt động. Hi vọng trong vài năm tới, khi các dự án, đề tài được hoàn thành sẽ có sản phẩm thực sự đóng góp vào cho sự phát triển công nghệ cao của đất nước.

Như vậy, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác. Nhất là khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nếu như năm tới ký được FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh hải quan Nga – Belarus, Kazakhstan và nếu cuối năm 2015 ký được TPP với 11 nước xung quanh Thái Bình Dương, trong đó có những nước mạnh như Hoa Kỳ, Nhật, Úc… chắc chắn hàng hóa, sản phẩm Việt phải đủ năng lực cạnh tranh, nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay sân nhà.

Chúng tôi cũng xác định KH&CN là cốt lõi của vấn đề này và hàng hóa, năng suất lao động của chúng ta có cạnh tranh được hay không chính là phải dựa vào KH&CN. Tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế chúng ta mới có thể cạnh tranh. Nếu không hàng hóa của ASEAN, EU, TPP sẽ tràn ngập trên thị trường và doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu.

Luật KH&CN đi vào đời sống, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn, nhiều nhà khoa học lo lắng, các nghị định, thông tư liên tịch nếu không cẩn thận sẽ làm méo mó nội dung đổi mới Luật, Bộ trưởng có suy nghĩ gì?

Luật KH&CN được đánh giá là luật tiến bộ, tiếp cận thông lệ quốc tế, tháo gỡ được tất cả các vướng mắc mà KH&CN trong thời kỳ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp trước đây, thực sự tiếp cận với nền kinh tế thị trường.

Hướng dẫn luật để luật đi vào cuộc sống là việc vô cùng khó khăn. Ngay sau khi luật được thông qua, Bộ KH&CN đã xây dựng tất cả các nghị định hướng dẫn luật và đã trình Chính phủ trước 31/12/2013 vì luật có hiệu lực vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, một số Nghị định đã được Chính phủ ban hành từ rất sớm.

Còn Nghị định quan trọng và khó nhất là về đầu tư và cơ chế tài chính, đến tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành được. Trong Nghị định này có một số điều khoản cụ thể hóa quy định của luật vướng với một số lĩnh vực, một số bộ, ngành. Những điều khoản này thậm chí còn vướng mới một số luật được ban hành trước đó như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Cán bộ công chức, viên chức… Cuối cùng, Chính phủ cũng đã đồng thuận và ban hành được Nghị định.

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao - hàng hóa chủ lực của Việt Nam

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao - hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Sau 1 năm luật có hiệu lực, nghị định và các văn bản hướng dẫn mới được ban hành. Song song với đó là Bộ KH&CN đã ban hành trên 40 thông tư hướng dẫn Nghị định và Luật.

Đúng là các thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính vướng phải nhiều khó khăn. Cụ thể như thông tư về hướng dẫn Nghị định 40 về chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ KH&CN đã làm thông tư liên tịch gửi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ nhưng cho tới thời điểm này Bộ Nội vụ vẫn chưa có ý kiến mặc dù đến nay đã gửi nửa năm…

Điều này có thể là do các đạo luật khác có quy định về công chức, viên chức, quy định khác với Luật KH&CN, tạo ra các vướng mắc hoặc do quy trình thẩm định thông tư của các bộ vẫn chưa hợp lý, còn mất nhiều thời gian. Cố gắng trong năm nay, về cơ bản thống nhất về nội dung các thông tư liên tịch, hướng dẫn Nghị định 40 về chính sách cán bộ, hướng dẫn Nghị định 95 về đầu tư và cơ chế tài chính. Còn các Nghị định khác, thông tư của Bộ KH&CN đã tương đối đầy đủ.

Bộ KH&CN cũng đã có văn bản chính thức gửi UB Thường vụ, UB KHCN&MT, UB Kinh tế Ngân sách… của Quốc hội lưu ý để các luật ban hành sau không phủ quyết các luật ban hành trước, nhất là các vấn đề mang tính đổi mới.

Cũng 4 khóa Quốc hội, Bộ KH&CN không có người là Đại biểu Quốc hội. Vì thế, Bộ KH&CN không ngồi trực tiếp ở Quốc hội để phát biểu quan điểm của mình, đấu tranh với các quan điểm khác để bảo vệ các quan điểm mới.

Liên quan đến việc xây dựng viện nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc (V- KIST), đến nay đã thực hiện tới đâu và liệu có thực hiện được theo lộ trình đặt ra hay không? Các ưu đãi có được giữ nguyên như đề xuất của Bộ KH&CN không?

Nước ta có một hệ thống khoảng 200 viện nghiên cứu và hơn 400 trung tâm nghiên cứu công lập. Tổng cộng có hơn 600 tổ chức nghiên cứ công lập, tập trung ở Trung ương và địa phương, trong đó có 2 Viện Hàn lâm – hai tổ chức KH&CN lớn nhất nước. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ của chúng ta còn hạn chế.

Cho đến nay, chỉ còn người làm khoa học chuyên nghiệp chưa có phụ cấp, còn các ngành khác như giáo dục, bác sỹ, thanh tra, kiểm toán, kiểm lâm… đều có phụ cấp. Đội ngũ cán bộ là các giáo sư, tiến sỹ đông đảo, nhưng công bố quốc tế và sáng chế quá ít. Nguyên nhân là gì? bên cạnh sự đầu tư còn quá ít của Nhà nước và xã hội; bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ về số lượng nhưng chưa cao về chất lượng. Còn nguyên nhân nữa là chưa tạo được môi trường KH&CN thực sự hấp dẫn đối với người làm KH&CN. Rất nhiều nhà khoa học nói rằng, tiền lương, thu nhập chỉ là một vấn đề nhưng lại không phải là tất cả. Đối với các nhà khoa học, môi trường hoạt động khoa học với là quan trọng. Họ phải có phòng thí nghiệm, thư viện, đồng nghiệp giỏi, tự do sáng tạo, họ làm những việc xã hội cần chứ không phải là việc họ muốn… chúng ta chưa làm được điều này.

Thực tế, nghiên cứu lịch sử phát triển của Hàn Quốc, viện KIST của Hàn Quốc có những hoạt động thành công như kỳ tích, đóng góp 30% giá trị gia tăng của Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ. Sau 50 năm, từ con số không, họ đã trở thành viện hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm của họ là gì? đó là môi trường KH&CN.

3 yếu tố thành công của viện KIST, một là có đạo luật riêng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà khoa học, không bị thanh tra, kiểm ta quá nhiều, có tiền lương hấp dẫn… Hai là được người lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc trực tiếp điều hành. Trong giai đoạn đầu hoạt động của viện, Tổng thống gần như tuần nào cũng đến để chỉ đạo trực tiếp công việc của viện. Ba là có đội ngũ nhà khoa học giỏi.

Áp dụng bài học kinh nghiệm này vào Việt Nam như thế nào? Các viện nghiên cứu của nước ta được thực hiện nhiều năm nay, nhưng tư duy quản lý của chúng ta rất cũ, không tiếp cận được với kinh tế thị trường. Các nhà khoa học được đào tạo ở các nước phát triển nhưng chưa làm việc lâu dài ở các nước kinh tế phát triển cũng không có được tư duy của người làm khoa học trong nền kinh tế thị trường. Không dễ gì chấp nhận kinh tế thị trường trong nghiên cứu khoa học.

Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ học tập theo mô hình của KIST.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Nam (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang