Đồng loạt thanh tra 23 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận VietGap

authorHồng Anh 15:00 04/07/2016

(VietQ.vn) - Lãnh đạo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết, đang tiến hành thanh tra 23 đơn vị được cơ quan này chỉ định chứng nhận VietGap.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Liên hệ với ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông cho biết, cơ quan này đã ra quyết định thanh tra các đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận VietGap.

Theo thông tin ban đầu được biết, Cục Trồng trọt tiến hành thanh kiểm tra tất cả quy trình cấp giấy chứng nhận VietGAP ở 22 đơn vị. Tuy nhiên, với sự việc nhân viên của Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert "chào bán công khai chứng nhận VietGap" khi được VTV24 nêu, Cục Trồng trọt đã quyết định thanh kiểm tra đột xuất với VinaCert.

Nhân viên của VinaCert nói về quy trình ''nhảy cóc'' khi áp dụng VietGap

Nhân viên của VinaCert nói về quy trình "nhảy cóc" khi áp dụng VietGap. Ảnh cắt từ clip của VTV

Trả lời câu hỏi của PV, ông Ma Quang Trung cho rằng: “Nếu kết quả kiểm tra phát hiện vi phạm thì phải rút ngay giấy phép và thậm chí còn phải đề nghị xử lý nặng. Trước mắt là phải thanh tra cụ thể sự việc thế nào, có vi phạm không và mức độ đến đâu”, ông Trung nói.

Theo Quyết định số 260/QĐ-TT-TTrPC ngày 01/7/2016 của Cục Trồng trọt: Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chỉ định các tổ chức chứng nhận và cấp chứng nhận VietGap. Cục Trồng trọt tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các tổ chức chứng nhận và cấp chứng nhận sản xuất VietGap từ thời điểm 2012 - 6/2016. Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng đoàn.

Cũng theo Quyết định thanh tra nói trên, Cục Trưởng cục Trồng trọt yêu cầu về kết quả thanh tra trước ngày 30/7/2016.

Còn qua tìm hiểu của PV, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... được thực hiện với quy trình chuẩn mực, chặt chẽ với các khâu đánh giá nghiêm ngặt. Sở dĩ việc đánh giá áp dụng VietGap diễn ra nghiêm ngặt bởi vì khi các sản phẩm nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi nếu tiến hành đánh giá và áp dụng VietGap qua loa, hoặc không đúng quy trình sẽ dẫn đến sản phẩm được gắn mác VietGap không an toàn, không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và làm mất uy tín thương hiệu nông sản, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Thanh tra các đơn vị được chỉ định chứng nhận VietGap

Cục Trồng trọt thanh tra các đơn vị được chỉ định chứng nhận VietGap. Ảnh: NN

Về sự việc liên quan đến nhân viên Vinacert chào bán chứng chỉ VietGap được VTV24 ghi nhận lại, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinacert nói rằng, ngay sau khi phóng sự của VTV phát, phía Vinacert đã có công văn gửi tới VTV để giải thích về vấn đề này. Về mặt giá cả của quá trình áp dụng VietGap, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp mình là đơn vị làm dịch vụ nên khách hàng cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường.

"Nhân viên kinh doanh của công ty hoàn toàn có quyền được đàm phán giá với khách hàng nên giá chứng nhận 45 triệu, 90 triệu hay cao hơn nữa cũng không vi phạm các quy định của phát luật", ông Dũng cho biết.

Trả lời câu hỏi về việc theo quy trình, hết bao nhiêu thời gian để được cấp chứng nhận VietGap, ông Dũng cho biết, tùy từng trường hợp nhưng nếu đúng quy trình thì chỉ cần 7 ngày là cấp chứng nhận sau khi lấy mẫu và có kết quả kiểm nghiệp là an toàn chứ không phải cần tới 4 tháng như VTV phản ánh.

Khi PV cho rằng, nhân viên tư vấn VinaCert đã vi phạm quy định của doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, ông Dũng thừa nhận việc này nhân viên kinh doanh tư vấn đã có những nội dung vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Chỉ với hai chi tiết là có thể mượn mẫu lúa bên cạnh chứng nhận và thậm chí khẳng định là cấp khống cho toàn bộ 100% quy trình VietGAP dù không có mẫu lúa đã đủ xác định vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đủ để buộc thôi việc nhân viên này rồi”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, các nhân viên của VinaCert được đào tạo bài bản, thi cử đàng hoàng với các quy trình chặt chẽ. Nếu thi không đạt phải thi đi, thi lại nhiều lần.

Tuy nhiên, với các câu trả lời của ông Dũng, chưa làm thỏa mãn câu hỏi của PV bởi nếu như nhân viên của VinaCert đã được đào tạo bài bản, chặt chẽ thì sao lại "lọt lưới" một nhân viên có thể vi phạm đạo đức nghề nghiệp như vậy? Vì sao giá nào VinaCert cũng có thể áp dụng được với khách hàng trong khi thực hiện áp dụng VietGap?

Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi, vai trò của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT ở đâu khi có những tổ chức như VinaCert để nhân viên "vi phạm đạo đức" như vậy?

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang