Đồng phục học sinh giá bằng...1 tháng lương

author 06:34 20/08/2013

(Vietq.vn) - Hàng năm, sau khi kì nghỉ hè kết thúc các bậc phụ huynh lại phải lo rất nhiều khoản phí chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài các khoản phí cần đóng theo quy đinh thì còn khoản chi phí phục vụ cho việc may đồng phục cho học sinh còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.

Đồng phục đẹp như... phim Hàn 

Chưa chính thức bắt  đầu năm học mới, nhưng chuyện may đồng phục cho con của Trường Tiểu học Văn Bình khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như  không có những thay đổi mang tính “ đột phá” cả về hình thức cũng như giá cả của bộ quần áo đồng phục mà nhà trường quy định trong năm học mới này.

Nhằm đổi mới , tạo phong cách riêng cho học sinh trong năm học mới về đồng phục.  Nhà trường đã quyết định tạo “phong cách riêng” cho mẫu đòng phục mới hẳn mỗi học sinh một bộ đồng phục mẫu là Com-lê Veston, giá của mỗi bộ đồng phục mới này không hề “ rẻ” chút nào.  Mức giá nhà trường áp dụng với học sinh : lớp 1, 2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4, 5 giá 693.000 đồng. Một mức giá quá cao so với mức thu nhập của người dân quanh năm chủ yếu làm nông. 

Mẫu đồng phục của trường tiểu học Văn Bình sử dụng cho năm học mới 2013 - 2014. Ảnh : Hoàng Thùy

Trao đổi với PV chất lượng Việt Nam, rất nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc. Chị N.T.Đ  có 2 con học lớp 1, 3  tại trường Tiểu học Văn Bình cũng bức xúc cho biết: “Chúng tôi là những  người dân quanh năm bán mặt cho đồng ruộng, thu nhập chủ yếu chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm nay, nhà trường thay đổi đồng phục cho học sinh cũng không hề có thông báo gì cho các bậc phụ huynh. Chúng tôi là dân làm nông chứ đâu có phải là dân viên chức hay buôn bán gì mà có tiền.

Một phụ huynh khác tên H. T .T cho biết chị có nghe nói về việc may đồng phục. Tưởng là vẫn may như đã thỏa thuận vào cuối năm học trước nên chị không để ý. Tuy nhiên, đến khi con khoe là quần áo đồng phục năm nay đẹp, khi mặc vào trông  giống các bạn học sinh trong phim Hàn Quốc, chị mới giật mình. Vội vàng đạp xe lên nhà cô chủ nhiệm để hỏi thì được biết đồng phục học sinh năm nay đổi mới, giá cũng cao hơn. Cô giáo động viên chị cố may cho con vì các cháu rất thích.

"Ngay cả may như cũ với giá 350.000 đồng chúng tôi còn không đồng ý. Cháu nào cần thì phụ huynh đăng kí thêm áo cộc tay thôi. Vậy mà đột nhiên các cháu về bảo đã đi đo quần áo, và khi chúng tôi hỏi cô giáo thì mới được biết giá là gần 700.000 đồng, tính ra là hơn 1 tạ thóc. Nhà trường có nghĩ đến phụ huynh khi đưa ra quyết định này không? Nếu hỏi ý kiến chúng tôi thì sẽ không bao giờ có sự đồng ý", chị T chia sẻ.
 

Nỗi lo giá cả, chất lượng

Khảo sát tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy giá “trên trời dưới biển”. Cụ thể với trường ở ngoại thành, nhà trường chỉ yêu cầu học sinh học quần xanh/sẫm màu với áo trắng thì đồng phục học sinh sẽ không còn là vấn đề “nóng. Nhưng do đa phần các trường yêu cầu trẻ mặc đồng phục các ngày trong tuần. Bên cạnh đó là đồng phục thể thao, đồng phục theo mùa nên tính ra tiền đồng phục cũng ngót triệu bạc.

Chị Lê Thị Huyền có 2 con theo học tại trường tiểu học và THCS Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết: Đứa bé xin vào trường tiểu thì chưa thấy thông báo gì về đóng tiền mua đồng phục hay gia đình tự may. Nhưng đứa lớn học cấp 2 khi nộp hồ sơn xin học đã đóng 1,5 triệu bao gồm tiền học hè và gần 1 triệu tiền đồng phục. “Tôi giật mình vì số tiền đồng phục phải đóng nhưng hỏi ra thì được biết nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục hè, thu, đông và bộ đồ thể thao”, chị Huyền chia sẻ. Còn chị Ngọc, có 2 con theo học trường THCS quận Ba Đình cũng giật mình khi nhận được thông báo đóng tiền đồng phục cho con. “Tính ra 2 đứa mất gần 2 triệu. Tôi định không mua nhưng giáo viên cho biết nhà trường thay mẫu mã đồng phục nên đành chi tiền chứ không lẽ để con mặc đồng phục cũ đi học, mà mặc chắc gì nhà trường đã chấp nhận”, chị Ngọc than thở.

Quy định về đồng phục của Bộ Giáo Dục.

Theo Thông tư Quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên của Bộ GD - ĐT đã ban hành vào ngày 30/9/2009, phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định của Thông tư và các quy định khác của nhà trường. Và các quy định về đồng phục phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Thông tư về quy định về việc mặc đồng phục như sau: Đồng phục phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường. Đồng phục cũng phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác. Đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.

Tiêu chuẩn mặc đồng phục cũng quy định rõ: Đồng phục mùa hè bao gồm: áo sơ mi và quần âu hoặc bộ áo dài truyền thống, giày hoặc dép có quai hậu. Phù hiệu của trường được gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái (đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông), gắn ở ngực áo bên trái (đối với trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học). Đối với nữ sinh, nếu sử dụng váy thì chiều dài váy phải trùm quá đầu gối. Nếu chọn bộ áo dài làm đồng phục thì chỉ thực hiện đối với nữ sinh THPT, Trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học. Đồng phục mùa đông bao gồm: áo khoác, quần âu hoặc váy đồng phục mùa hè (đối với nữ).

Quy định về việc mặc đồng phục trong trường học đã được Bộ thông báo về các Sở GD - ĐT và phổ biến tới từng trường để áp dụng.
 

Bảo Hân
 

Bảo Hân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang