Đồng Tháp: Nhân rộng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGap

author 10:15 08/11/2016

(VietQ.vn) - Năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, với chiều dài sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn tỉnh 163 km, nên tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá tra. Diện tích nuôi cá tra trong những năm qua tăng từ 1.250 ha năm 2008 lên 2.115,89 ha năm 2015 với sản lượng 396.350 tấn, năng suất bình quân đạt 339 tấn/ha, với kim ngạch xuất khẩu đạt 620,02 triệu USD năm 2015 và vươn lên đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Cá tra, sản phẩm chủ lực ở Đồng Tháp.

Năm 2015, tỉnh đã thực hiện 5 mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, mô hình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP cá tra, quy mô 30 hộ tại huyện Lai Vung và T.X Hồng Ngự.

Có 4 dự án đã thực hiện là Dự án xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP tại 4 huyện (Thanh Bình, Tân Hồng, Cao Lãnh và TP.Sa Đéc) với tổng diện tích 45,5ha; tổ chức 4 lớp tập huấn về “quy phạm VietGAP” cho 120 hộ dân trong và ngoài mô hình tham dự; tiến hành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn ghi chép hồ sơ để đánh giá chứng nhận, các hộ tham gia mô hình đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, trên cơ sở đầu tư một cách có hiệu quả các vùng sản xuất thủy sản tập trung; phát triển sản xuất giống, nuôi, tiêu thụ sản phẩm thủy sản gắn liền với việc đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường và an toàn bệnh dịch trên thủy sản nuôi.

Đến tháng 5/2016 đã hoàn thành xong 98% công tác cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.433,92 ha.

Diện tích đã được chứng nhận và đang áp dụng các tiêu chuẩn là 642 ha diện tích nuôi. Bao gồm:

- Tiêu chuẩn ASC là 102,18 ha;

- Tiêu chuẩn GlobalGAP là 20,49 ha;

- Tiêu chuẩn BAP là 103,50 ha;

- Tiêu chuẩn ASC và GlobalGAP có 99,12 ha (2 chứng nhận trên cùng diện tích nuôi);

- Tiêu chuẩn GlobalGAP và BAP có 10,46 ha (2 chứng nhận trên cùng diện tích nuôi);

- Quy phạm VietGAP và Tiêu chuẩn ASC là 6,14 ha (2 chứng nhận trên cùng diện tích nuôi).

- Tiêu chuẩn theo Quy phạm VietGAP là 300 ha;

Trong những năm qua, nhiều mô hình VietGAP đã đạt những thành công bước đầu, nhưng để nhân rộng cần phải có sự quyết liệt của nhiều bộ, ngành nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ cá  tra VietGAP. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra VietGAP và các nhà máy chế biến xuất khẩu liên kết với nhau theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình nuôi cá tra VietGAP mới tồn tại bền vững theo thời gian.

Trong đó, việc hình thành hợp tác xã sản xuất cá tra theo VietGAP là một bước đi mới giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết với doanh nghiệp sản xuất chế biến trong sản xuất. Điều này giúp các hộ nuôi nhỏ lẻ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp cung cấp thức ăn con giống, thuốc, cơ sở hạ tầng nuôi tập trung và dễ kiểm soát. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, truy xuất được nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát, giảm thiểu được chi phí vận chuyển. Do đó việc áp dụng VietGAP sẽ dễ dàng triển khai hơn, giảm được chi phí chứng nhận. Hiện nay, đã có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nuôi như: Công ty TNHH Hùng Vương và công ty cung cấp thức ăn thủy sản Sao Mai, mô hình đã dần đi vào sản xuất ổn định, đồng thời mở rộng diện tích nuôi.

Có khoảng 80% diện tích hộ cá thể (chiếm 400 ha) tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh theo hình thức nuôi gia công nhưng phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Hình thức liên kết này phù hợp đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, quyền lợi của hộ nuôi gắn liền quyền lợi doanh nghiệp nên hộ nuôi có nguồn lợi nhuận ổn định.

Nhằm nhân rộng mô hình năm 2016 tỉnh thông báo đến các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh về chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên sản phẩm thủy sản. Kết quả có 90 cơ sở (diện tích 611 ha) nuôi cá tra thương phẩm đăng ký được hỗ trợ thực hiện và chứng nhận VietGAP.

Bên cạnh tổ chức điều hành sản xuất, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan cần tiếp tục hỗ trợ các HTX, các tổ hợp tác áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam; phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thực hiện công tác vận động tuyên truyền và thanh tra bảo vệ môi trường; đối với các hộ sản xuất thủy sản thâm canh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; Xúc tiến khâu quảng bá, đàm phán và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP để giúp giá trị cá tra VietGAP tăng lên, từ đó người dân mới toàn tâm toàn ý thực hiện VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC...

H. T

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang