Những sinh vật kỹ tính nhất trong 'chuyện ấy'

author 21:03 30/04/2015

(VietQ.vn) - Loài cua Uca crenulata phải "xem mặt" hàng trăm các "ứng viên" sau mới giao phối, còn loài ốc biển Littorina saxatilis lại hay "trốn chạy" bạn tình. Chúng được mệnh danh là động vật lạ "kỹ tính" trong việc giao phối.

Sự kiện: Thiên nhiên kỳ thú

Hầu hết các loài, kể cả con người, chỉ tìm hiểu nhóm nhỏ bạn tình tiềm năng trước khi chọn lấy một. Nhưng loài cua Uca crenulata ở California (Mỹ) lại 'xem mặt' đến 106 ứng cử viên rồi mới tiến hành giao phối. Với cá tính này, những con cua cái của loài Uca crenulata đã đoạt danh hiệu loài động vật lạ "kén chọn" nhất thế giới, theo báo VnExpress.

"Theo tôi biết đến nay, không có loài nào khác chơi trò quan sát số đông ứng cử viên bạn tình như loài cua California", Catherine deRivera, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. "Hầu hết các loài động vật không xương sống, một số loài thú, lưỡng cư và bò sát giao phối với hàng xóm hoặc ứng cử viên đầu tiên mà chúng gặp, hoặc ít nhất là con đầu tiên thực hành đúng nghi lễ tán tỉnh", bà nói.

Động vật lạ - cua Uca crenulata 'kỹ tính' chọn bạn tình nhất thế giới

Loài động vật lạ như cua Uca crenulata rất 'kỹ tính' khi chọn bạn tình

DeRivera và cộng sự đã quan sát một quần thể cua trên một bãi triều mở tại cửa sông Sweetwater ở Chula Vista, California. Cua đực đào những cái hang bằng phẳng. Các chàng cua tụ tập thành nhóm gần hang của mình và ra hiệu cho các nàng bằng cái càng lớn, giống như kiểu vẫy tay ra hiệu "lại đây". Cua cái nghe thấy tiếng kêu sẽ liếc mắt vào hang - phản ánh kích cỡ của chàng.

Thông thường, chỉ cần ngó qua cái hang là đủ - và nàng sẽ tiến về phía vẫy tay của chàng khác. Đôi khi, cô nàng đưa cả thân mình vào hang, nhưng sau cùng vẫn rời bỏ nó. Cua cái làm điều này hơn 100 lần trước khi chấp nhận tổ ấm cuối cùng - cái tổ có vẻ hợp với kích cỡ của nàng hơn cả.

Một khi đã “chọn mặt gửi vàng”, “nàng” hoặc “chàng” sẽ bịt cửa ra vào. Mỗi cái hang như vậy chứa vài phòng riêng biệt đủ chỗ cho 4 con cái, vì thế một số anh chàng thu hút cả một "hậu cung" nhỏ trong nhà của mình. Con cái ở lại trong hang từ 2 đến 16 ngày, trong thời gian đó chúng giao phối và đẻ trứng. Cua mẹ bỏ đi trước khi ấu trùng nở và cua con sẽ tìm cách bò ra vùng nước trong những đêm thuỷ triều dâng cao.

DeRivera tin rằng cua cái lựa chọn khắt khe như vậy vì một cái hang to vừa phải sẽ ấm cúng và giữ nhiệt tốt hơn. Nó cũng cho phép ấu trùng ra ngoài dễ dàng hơn, và làm giảm nguy cơ bị ăn thịt. Tom Langen, trợ lý giáo sư về sinh học và tâm lý tại Đại học Clarkson, cho biết, nghiên cứu này chứng tỏ rằng những sinh vật có não nhỏ không nhất thiết là những kẻ ngu đần.

Một trường hợp khác cũng liên quan đến sự giao phối của động vật lạ. Các nhà khoa học tại ĐH Gothenburg (Thụy Điển) đã phát hiện một loài ốc cái tìm cách che giấu giới tính của mình nhằm "trốn chạy" các con đực.

Những động vật lạ 'trốn chạy' bạn tình

Nhiều động vật lạ 'trốn chạy' bạn tình bằng cách che dấu giới tính

Hầu hết các loài ốc cái tiết ra chất nhầy trên đường đi của chúng để con đực có thể tìm thấy chúng, vì ốc đực có thể phân biệt dấu vết của con cái và những con đực khác. Con đực sẽ lần theo đường nhầy do ốc cái để lại để tìm bạn tình giao phối. Tuy nhiên, một trong các loài ốc biển cái (Littorina saxatilis) đã ngừng việc đánh dấu chất nhầy của chúng.

Hệ quả của việc này là con cái sẽ giao phối ít hơn, vì các con đực sẽ tốn thời gian gấp hai lần để tìm ra con cái. Đây là một hiện tượng lạ, khá ngạc nhiên, vì từ lâu người ta tin rằng con cái thu hút bạn tình để giao phối.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh sự tiến hóa đã ủng hộ giống cái che giấu giới tính: những con cái có khả năng che giấu giới tính thường có cơ hội sống sót cao hơn những con cái khác. Một số giống cái khác như loài damself (một loài tương tự chuồn chuồn nhưng khác biệt về kích thước, đôi cánh) cũng tìm cách che giấu giới tính bằng cách "ngụy trang" màu sắc giống hệt như con đực.

Thùy Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang