Thâm nhập giới đánh hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam (Bài 3)

author 07:34 19/09/2013

(VietQ.vn) - “Đây là nơi cung ứng “hàng hiệu” thời trang cho thị trường nước ta đó, hàng ở đây tuy nhái nhưng cũng khá xịn, trông cứ như hàng hiệu thật”, Lan chia sẻ.

Sự kiện:

Kỳ III: Đột nhập "kinh đô" hàng lậu xứ người

Sau khi kể về những mánh khoé của nghề “tai”, A Lù dẫn chúng tôi đi mua hàng. Nơi đầu tiên gã dẫn chúng tôi đến là khu chợ 13 – nơi được xem là “kinh đô” của hàng lậu Quảng Châu. Mặc dù lúc này thời tiết ở Quảng Châu khá lạnh nhưng cả 3 người vã mồ hôi như tắm, chật vật xoay sở để mua bán giữa nhưng gian hàng bé tí xíu và kin kít người của khu chợ sáng khổng lồ này.

Điều đặc biệt, dù đông đúc là thế nhưng không khu chợ chỉ mở đúng đến 12h trưa và sau đó là các nỗ lực cứng rắn của ban quản lý chợ nhằm... đuổi khách. Người “tai” của chúng tôi vừa khệ nệ xách từng túi hàng nặng chịch vừa cười cười giải thích bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Chỉ mở buổi sáng thôi mà hàng Trung Quốc đã phủ toàn thế giới. Nếu mở cả ngày, chắc phải lên tận... sao Hỏa”.

Tiền không bao giờ là đủ ở Quảng Châu!

Mặc dù chen chúc giữa khu chợ đông đúc bật nhất Quảng Châu nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng quan sát trung tâm mua sắm hàng lậu này. Chợ 13 là một tổ hợp nhà cao tầng rộng rãi tọa lạc ngay trung tâm thành phố, là khu chợ bán quần áo loại bình dân quy mô nhất Quảng Châu. Chưa đến 8h sáng nhưng cảnh buôn bán đã diễn ra vô cùng hối hả. Khắp nơi kin kít người, chen chúc để có một vị trí mua sắm thuận lợi. Bên ngoài tòa nhà, hàng nghìn người đang khẩn trương đóng gói và vận chuyển những bao hàng đủ màu sắc và kích cỡ.

Lan và Tuân đã có nhiều lần đến đây đánh hàng nên không khó để lách qua dòng người kìn kịt hàng hoá để tìm được thứ cần mua, còn tôi thì khá chật vật để không bị những tải hàng trên vai “tai” quật ngã. Đang cố gắng chen chân để theo kịp “tai” A Lù, tôi va phải một người lạ, trong vóc dáng giống như một “tai” đang hành nghề. Chưa kịp nói gì, tay này đã vội quay lại chửi bằng một câu tiếng Việt khá rành mạch “Không có mắt à”. Tôi chưa kịp nói gì thì đã bị Tuân kéo nhanh về phía trước, lẩn vào đám đông đang ùn ùn đi vào. Tôi lủi nhanh theo Tuân và bất giác tôi chợt nghĩ, hoá ra ở xứ người, họ cũng điêu và có những câu chửi “made in Việt Nam”.

Ngay lúc đó, dáng rất thành thạo và chuyên nghiệp, A Lù rẽ đám đông kéo chúng tôi nhích dần vào phía trong chợ. Khi đi qua cổng chính, đã thấy rất đông bảo vệ to cao lực lưỡng đứng chốt ở cổng, sẵn sàng ngăn cản bất cứ ai mang vác hàng hoá cồng kềnh đi vào chợ. Giống như bao khu chợ khác, tiếng quát tháo, tranh cãi, lộn xộn diễn ra liên tục. Có lẽ, để giữ gìn an ninh khu chợ này, lực lượng bảo vệ phải làm việc rất vất vả.

Theo quan sát của chúng tôi, trong một diện tích rộng rãi dễ bằng một sân đá bóng (chỉ tính mặt bằng 1 tầng), hàng nghìn gian hàng (ki ốt) nhỏ tí xíu được chia đều tăm tắp, nằm san sát và đối diện nhau bởi những lối đi nhỏ. Những lối đi này sâu hun hút, cắt ngang cắt dọc liên tục cốt để số lượng ki ốt có thể tăng lên tối đa. Để tránh lộn xộn, các ki ốt đều có biển hiệu và được đánh số thứ tự, mặc dù trên thực tế quan sát, có những gian chỉ rộng chưa đầy 2m2 vẫn phải chia làm đôi cho hai tiểu thương buôn bán đồng thời. Được biết giá thuê mỗi ki ốt như vậy là từ 6 nghìn – 1 vạn tệ/tháng.

Nghệ thuật đánh hàng

Theo tính toán từ đầu của Tuân và Lan, khi sang đây chúng tôi chủ yếu chọn mua quần áo, trong đó chú ý nhất là quần bò “hàng hiệu” được làm nhái những hãng nổi tiếng như VL, Burberry, D&G… nên được anh “tai” A Lù dẫn tới khu quần áo. Lần đầu đến với một khu chợ khổng lồ như vậy nên tôi khá choáng ngợp, hoa mắt trước mê cung thời trang này. Theo lời Tuân thì dù đông đúc như vậy nhưng họ bán hàng rất chuyên nghiệp, cộng với sự trợ giúp đắc lực của “tai” nên rất ít khi xảy ra việc trùng lắp mẫu quần áo. Không chỉ là gian hàng nhỏ xíu chỉ mấy mét vuông, đằng sau đó còn có cả những kho xưởng gia công cực lớn, khách hàng muốn lấy bao nhiêu cũng có.

Chúng tôi quyết định dừng chân tại một gian hàng nhỏ, đánh số thứ tự 4245 của 4 cô gái trẻ. Theo lời Lan thì những cô gái này là chị em ruột, gia đình họ có một xưởng gia công quần bò lớn nhất nhì khu này. Đây cũng là  điểm lấy hàng quen thuộc của nhiều khách hàng Việt Nam. “Đây là nơi cung ứng “hàng hiệu” thời trang cho thị trường nước ta đó, hàng ở đây tuy nhái nhưng cũng khá xịn, trông cứ như hàng hiệu thật”, Lan chia sẻ. Nghe Lan nói, tôi chợt nghĩ, biết đâu ở Hà Nội nhiều khi bỏ ra cả triệu để mua 1 chiếc quần Made in Quảng Châu là chuyện thường tình.

Tại gian hàng này, Lan chọn được khá nhiều mẫu ưng ý với giá dao động từ 10 – 30 tệ/chiếc với điều kiện mỗi mẫu phải mua 3 chiếc trở lên. Với những chiếc quần này, khi về nước sẽ được bán với giá dao động từ 200 – 300 nghìn đồng. Sau khi thanh toán tới gần 2000 tệ, chủ ki ốt đưa cho chúng tôi một hoá đơn rồi hẹn nửa tiếng sau quay lại lấy hàng. A Lù ghi lại cẩn thận tên hàng hóa và địa chỉ gian hàng vào quyển sổ tay nhỏ. Lát nữa chính anh sẽ lãnh trách nhiệm đi gom hàng về.

Cứ thế suốt buổi sáng hôm ấy, nhóm chúng tôi đã rảo bước qua rất rất nhiều ki ốt nhỏ của chợ 13. Mỗi ki ốt đều là những mẫu mã quần áo, túi xách, thắt lưng… khác nhau với giá cả thì đều ở mức rẻ… giật mình. Dừng chân ở đâu, chúng tôi cũng bị hút hồn bởi giá không thể rẻ hơn, muốn vào mua thêm nữa nhưng lượng tiền có hạn lại thôi.

Đến gần trưa cũng là lúc gom được số hàng kha khá, chúng tôi tìm cách thoát ra khỏi mê cung thời trang này. Cuộc tháo chạy gặp vô vàn khó khăn vì chợ chỉ mở buổi sáng nên nhiều người đều tranh thủ “rút” quân cùng lúc. Cảnh chen lấn, xô đẩy diễn ra phức tạp hơn lúc vào nhiều lần. 4 người chúng tôi vừa mệt nhưng vẫn phải cố kéo hàng tải quần áo ra khỏi chợ. Ra khỏi cổng chợ, cũng là lúc chợ đóng cửa, Lan quay đầu nhìn đầy nuối tiếc, vì dường như cô gái vẫn muốn mua thêm nhiều đồ nữa…

Ở Quảng Châu có đến hàng chục ngôi chợ rộng tương tự chợ 13 với nhiều tầng lầu chuyên bán hàng hóa chuyên dụng: quần áo, đồng hồ, điện thoại di động, đồ da, đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm, máy tính, thiết bị âm thanh... Khách hàng được chia làm hai loại: “tả bao” là khách hàng lớn, mua mỗi lần nguyên kiện hoặc cả dây hàng đủ các size, kiểu. “Nả hua” là khách mua hàng lẻ nhưng cũng phải 3-5 cái/loại như chúng tôi. Quảng Châu từ lâu được thừa nhận là địa chỉ số 1 cung cấp hàng bình dân (hàng chợ) cho hầu hết phần còn lại của thế giới, được gọi vui là “kinh đô hàng chợ”. (Còn nữa).

 Nhóm Phóng viên - CTV Pháp luật

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang