Đột nhập lò mổ lợn

author 08:00 25/05/2013

(VietQ.vn) - Sau khi được tách khỏi thân lợn, tất cả nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng rồi vứt ra một góc chờ bán ra thị trường.

Làm sạch thịt, nội tạng bằng…chân

2h30’ sáng ngày 10/4, khi cả TP. Hà Nội vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, tại lò giết mổ Minh Hiền (Công ty TNHH Minh Hiền, Thanh Oai, Hà Nội) không khí hoạt động lại vô cùng khẩn trương. Tiếng xe ra vào ầm ĩ, tiếng hò hét của dân buôn, tiếng lợn kêu khi bị hóa kiếp náo loạn cả một vùng.

Bước chân vào khu giết mổ, PV Chất lượng Việt Nam không khỏi rùng mình trước hình ảnh một sàn máu đỏ ngầu, cùng với đó là những phân lợn, lông, nội tạng hòa vào nhau, tạo nên một màu đen kịt chảy lênh láng khắp nơi, ruồi muỗi bâu đầy.

Một sàn máu đỏ ngầu, cùng với đó là những phân lợn, lông, nội tạng hòa vào nhau, tạo nên một màu đen kịt chảy lênh láng khắp nơi

Theo những người làm việc trong lò mổ này thì trung bình mỗi ngày lò mổ “hóa kiếp” khoảng 300 – 400 con lợn, cung cấp khoảng 20% lượng thịt lợn cho thành phố. Điều đặc biết là dù đã được biết đến là một cơ sở đầu tư khu giết mổ hiện đại, hệ thống dây truyền khép kín, tự động với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Diện tích rộng 4,3ha, lò mổ Minh Hiền như một đại công trường, song toàn bộ khâu giết mổ đều là thủ công, phương tiện thô sơ, không đảm bảo vệ sinh. Chỉ cần tới gần lò mổ, một mùi hôi thối, tanh nồng bốc lên đến rợn người.

Lò mổ được chia thành 2 khu riêng biệt: Khu giết mổ tập chung và khu làm nội tạng. Tại khu giết mổ, hàng trăm con lợn không móc treo thân lợn, không khay đựng nội tạng mà được mổ phanh ngay dưới sàn xi măng. Cạnh đó là chuồng nhốt lợn chờ “hóa kiếp”, vì vậy trên sàn nhà ngoài máu, nước tiểu, lông thì phân lợn vương vãi khắp nơi. Khi mổ lợn xong, nhân viên dùng ủng dẵm đạp lên thịt và dùng vòi nước để rửa, tạo nên một bãi nước đen kịt, hôi hám ứ đọng khắp sàn mổ.

Kinh hoàng nhất là công đoạn xử lý nội tạng. Sau khi được tách khỏi thân lợn, tất cả nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng để phân trong nội tạng tuồn ra ngoài,  rồi vứt ra một góc chờ bán ra thị trường.

Hàng trăm con lợn không móc treo thân lợn, không khay đựng nội tạng mà được mổ phanh ngay dưới sàn xi măng

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty Minh Hiền thừa nhận: “Thời gian đầu, chúng tôi cũng làm đúng theo quy trình giết mổ hiện đại, công ty đã đầu tư giá treo thân lợn, khay đựng nội tạng cho cán bộ thú y lăn dấu kiểm dịch. Thế nhưng do thói quen giết mổ thủ công đã ăn sâu vào nhiều hộ dân làm nghề nên họ đã dỡ bỏ hết các thiết bị đã đầu tư từ trước. Bên cạnh đó, chi phí giết mổ công nghiệp cao hơn cách làm thủ công tới 50 - 60% nên rất tốn kém. Hơn nữa, nếu họ chuyển sang giết mổ công nghiệp thì phải chịu sự quản lý gắt gao về quy trình sản xuất thực phẩm sạch. Chi phí cao và quản lý chặt khiến các chủ lò mổ không mặn mà gì với giết mổ công nghiệp, mà vẫn làm theo kiểu thủ công vốn có”.

Lợn chưa kiểm dịch "vô tư" vào Hà Nội

Theo quy định, khi xe chở lợn vào lò mổ tập chung, cán bộ thú y phải kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, nguồn gốc gia súc, nếu đầy đủ điều kiện thì mới phun thuốc sát trùng và cho vào lò mổ. Ngoài ra khi vận chuyển thịt lợn, bắt buộn phải có thùng kín và phải có dấu kiểm dịch khi ra khỏi lò mổ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV trong ngày 11/4 (2h30’- 5h sáng) thì công tác kiểm dịch của lực lượng thú y nơi đây dường như bị bỏ ngỏ. Các xe chở lợn vào lò mổ thì cán bộ thú y chỉ phun thuốc sát trùng, không kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc gia súc. Mặt khác thịt lợn được mổ xong, các con buôn dùng xe máy vận chuyển ra thị trường, nhưng cán bộ thú y không nhắc nhở, không đóng dấu mà chỉ ngồi nhìn các xe chở lợn vô tư phóng qua.

Vô tư dùng xe máy chở thịt lợn ra thị trường

Ông Phạm Văn Trung, Phụ trách tổ kiểm soát giết mổ, chốt kiểm dịch liên ngành số 11 (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi làm việc theo đúng quy trình, tuy nhiên việc thịt lợn ra khỏi lò mổ không có dấu kiểm dịch trước tiên là lỗi của lò mổ Minh Hiền không có giá treo thân lợn để cán bộ thú y lăn dấu, khi thịt lợn xong dân buôn cho thịt lên xe và chở đi ngay nên không thể quản lý hết được. Hơn nữa, khi chở thịt ra, họ chỉ đưa tiền phí, không cần lấy biên lai và đóng dấu kiểm dịch, thậm chí họ còn vứt tiền xuống đất rồi phóng xe đi. Chúng tôi đã nhiều lần áp dụng biện pháp mạnh, tuy nhiên họ lập tức đe dọa và hành hung cán bộ ngay khi ra khỏi chốt. Hầu hết cán bộ là người từ nơi khác đến, lại không nhận được sự hợp tác từ phía các tiểu thương, đặc biệt là những đối tượng dân địa phương nên rất khó triển khai”.

Khi PV đề cập tới việc các xe chở lợn vào lò mổ, cán bộ kiểm dịch chỉ phun thuốc sát trùng mà không kiểm tra giấy tờ, ngồn gốc gia súc… ông Trung cho biết: “Tất cả các xe chở lợn trước khi vào lò mổ chúng tôi đã kiểm tra trước thủ tục, giấy tờ sau đó niêm phong mặt hàng và chờ vào lò mổ. Có thể do công tác kiểm tra trước, 1 thời gian sau xe chở lợn mới vào nên mọi người chỉ thấy nhân viên phun thuốc sát trùng mà không kiểm tra giấy tờ, suất xứ…”.

Trong khi dịch tai xanh vẫn còn tồn tại trên một số tỉnh thành vùng lân cận Hà Nội, công tác kiểm dịch tại các lò mổ lớn cũng không được chặt chẽ thì việc người dân thủ đô phải dùng những thực phẩm không an toàn là điều khó tránh khỏi

Tuấn Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang