Đốt pháo: Người dân và chuyên gia nói gì?

author 06:36 26/05/2013

(VietQ.vn) - Đề xuất cho đốt pháo hỏa thuật giải trí (chỉ tạo ra hiệu ứng ánh sáng nhưng không gây tiếng nổ) vào dịp Tết 2014 đang làm dấy lên những tranh luận sôi nổi trong dư luận.

"Tết không pháo buồn lắm!"

Từ lâu, dân ta vốn đã thuộc nằm lòng với câu đối nói về nét đặc trưng của Tết Việt: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Trước khi có lệnh cấm đốt pháo, người Việt đốt pháo đêm Giao thừa để xua đuổi tà ma, xui xẻo và hi vọng tiếng pháo nổ sẽ hứa hẹn một năm mới “bùng nổ” với nhiều may mắn, làm ăn phát tài. Và việc đốt pháo đã là một nét văn hóa đi vào truyền thống của người Việt Nam ta qua nhiều thế hệ. 

Từ khi có lệnh cấm sử dụng pháo, những cái Tết dường như bớt vui, bớt sôi nổi hơn. Thế nên, khi đề xuất cho đốt pháo hỏa thuật giải trí (chỉ tạo ra hiệu ứng ánh sáng nhưng không gây tiếng nổ) dịp Tết 2014 được đưa ra bàn thảo, nó đã nhanh chóng tạo được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận.

Đốt pháo ngày Tết là một nét văn hóa đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt
Đốt pháo ngày Tết là một nét văn hóa đã ăn sâu vào văn hóa của người Việt

Chị Phương Linh (quê Hưng Yên) cho biết, từ khi có luật cấm đốt pháo, trước Tết, mỗi gia đình ở quê chị đều được chính quyền địa phương yêu cầu ký vào một tờ cam kết không sử dụng pháo dịp Tết. Nếu sử dụng rồi bị phát hiện thì sẽ bị phạt.

Tuy vậy, dù không đốt công khai và số lượng pháo ít hơn nhưng hầu như chưa Tết năm nào quê chị vắng đi âm thanh của pháo nổ và ánh sáng từ những loại pháo sáng.

Chị bảo: “Có cấm cũng không được vì người ta tìm đủ cách để lách luật. Lệnh cấm chỉ khiến cho việc pháo lậu được dịp tràn lan hơn”.

Gia đình chị Linh năm nào cũng có thói quen cả nhà cùng nhau đón Giao thừa và ngắm pháo hoa. Với chị, hiện Tết Việt đã buồn hơn trước nhiều rồi, nếu từ nay mỗi dịp Tết, mọi người được tự do đốt pháo mà không phải “nhòm trước ngó sau” sợ bị phạt thì cũng sẽ giúp không khí Tết rộn rã hơn.

Chị nói: “Tôi nghĩ, cho đốt pháo trở lại thì Tết mới vui, ngày Tết không có pháo buồn lắm. Ở quê hầu như mọi người đón Giao thừa để được ngắm pháo hoa là chính, chứ còn nếu chỉ xem đốt pháo trên truyền hình thì thức để đón Giao thừa chẳng có ý nghĩa gì”.

Nên gỡ bỏ từng phần lệnh cấm pháo

PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội) cho rằng trong thời điểm hiện nay, các vấn đề thời sự, chính trị có những vấn đề nhạy cảm (người dân suy giảm lòng tin với hệ thống chính trị, khủng hoảng tài chính, tiền tệ tại VN và thế giới …), đất nước, sự nghiệp chung của chúng ta đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ nên về mặt logic là chưa thể gỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm pháo.

Nhưng bản thân pháo không có lỗi, chứ chưa nói đến việc từ lâu pháo đã gắn với văn hóa cộng đồng và dần trở thành một giá trị bền vững ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Vì thế, theo ông, khi xã hội ta trưởng thành hơn, chín chắn hơn và quản lý xã hội tốt hơn thì lệnh cấm pháo sẽ được gỡ bỏ từng phần.

Hiện trong nước đã có đơn vị quân đội Z121 trước mắt là sản xuất được pháo sáng, pháo bông, thì từng bước một chúng ta giao cho họ sản xuất pháo
Hiện trong nước đã có đơn vị quân đội Z121 trước mắt là sản xuất được pháo sáng, pháo bông, thì từng bước một chúng ta giao cho họ sản xuất pháo

Ông nhận định, dẫu sao chúng ta cũng phải ứng xử với pháo như một thứ hàng hóa nhạy cảm và phải có sự quản lý đặc biệt bởi dân mình thường có thói quen tự chế pháo nổ nên dẫn nguy cơ mất an toàn rất cao. Hơn nữa “bệnh” chung của người Việt Nam là thích làm những thứ thật to, hoành tránh, thậm chí là lập kỷ lục. Nếu cho phép đốt pháo, cho sản xuất pháo thì rất có thể lại xuất hiện kỷ lục dây pháo dài nhất Việt Nam.

Ông bảo, so sánh thì có vẻ khập khiễng song câu chuyện về pháo cũng chẳng khác gì chuyện quản lý nạn mại dâm. Gắn thêm với việc quản lý các dịch vụ công nói chung thì có thể thấy một tình trạng mà chúng ta đang gặp phải là “quản không được thì cấm”. Thực tế lại chứng minh điều ngược lại, có cấm cũng không được và những thứ bị cấm vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.

Ông chia sẻ: “Cấm bao nhiêu thì pháo lậu vẫn ùn ùn đổ về khiến bao nhiêu tiền của nước ta đổ ra nước ngoài. Hiện trong nước đã có đơn vị quân đội Z121 trước mắt là sản xuất được pháo sáng, pháo bông, thì từng bước một chúng ta giao cho họ sản xuất pháo. Kèm với đó là đưa ra các hình thức quản lý đặc biệt mặt hàng nhạy cảm này thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Khi chúng ta làm tốt hơn, những cái khó khăn phức tạp của xã hội chúng ta giảm, quản lý xã hội của chúng ta trưởng thành hơn, chín hơn, trình độ dân trí cao hơn thì có thể rỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm pháo”.

Thanh Thu 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang