Nông dân lao đao vì đợt rét kỷ lục 40 năm mới xuất hiện một lần

author 15:21 25/01/2016

(VietQ.vn) - Đợt rét kỷ lục kèm theo mưa tuyết, giá lạnh kéo dài trên diện rộng ở nhiều tỉnh khiến gia súc chết hàng loạt và gây thiệt hại lớn cho hoa màu.

Sự kiện: Dự báo thời tiết

Đợt rét kỷ lục 40 năm mới lại xuất hiện vào giữa tháng Chạp trước Tết nguyên đán nửa tháng trời khiến băng giá phủ trắng núi rừng, mặt đất và cây cỏ. Cái rét bất thường không chỉ khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn mà còn gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Nhiều người không khỏi lo ngại nếu đợt rét kỷ lục tiếp tục kéo dài thì đàn trâu các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu khó mà đứng vững.

Đợt rét kỷ lục khiến băng giá phủ kín ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) gây thiệt hại lớn cho hoa màu

Đợt rét kỷ lục khiến băng giá phủ kín ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) gây thiệt hại lớn cho hoa màu. Ảnh nongnghiep.vn

Cụ thể theo những tin tức mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, trận mưa tuyết với cường độ khá lớn, kéo dài, trên phạm vi rộng vào ngày 24/1 gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của bà con nông dân các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai.

Theo thống kê nhanh, tại huyện Sa Pa, mưa tuyết vùi lấp, gây thiệt hại khoảng 50% năng suất đối với 105 ha rau các loại và 67 ha cây ác-ti-sô. Cụ thể, tại thị trấn Sa Pa là 60 ha, xã Sa Pả là 20 ha, xã Tả Phìn là 10 ha, xã Trung Chải là 10 ha… Bên cạnh đó, mưa tuyết làm chết bảy con trâu, chủ yếu là trâu già và nghé non, sức đề kháng kém.

Tại huyện Bát Xát, mưa tuyết xảy ra ở hầu hết các xã vùng cao như Ý Tý, Ngải Thầu, A Lù, Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Trung Lèng Hồ… Tuyết rơi dày từ 8-10 cm trên mặt đất, vùi lấp gần 1.000 ha thảo quả và khoảng 50 ha cây dược liệu dương qui ở xã Pa Cheo, gây thiệt hại lớn cho nông dân địa phương. Tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên mưa tuyết cũng vùi lấp, gây thiệt hại cho hàng chục ha rau, cây màu các loại.

Một con trâu của người dân ở Yên Bái chết rét trong đợt rét kỷ lục ngày 24/1

Một con trâu của người dân ở Yên Bái chết rét trong đợt rét kỷ lục ngày 24/1. Ảnh Dân Việt

Trong khi đó trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tính đến 19h ngày 24/1, nhiệt độ tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đã xuống tới mức -1 độ C đến - 3 độ C khiến 8 con trâu, bò chết. Trao đổi với báo Dân Việt, ông Trịnh Văn Xuê - Phó bí thư huyện ủy Trạm Tấu, trên địa bàn huyện đã có 5 con gia súc bị chết, trong đó xã Hát Lừu 1 con trâu già, Bản Mù 2 con bê và 1 con dê, thị trấn Trạm Tấu 1 con dê.

Người dân ở huyện Mù Cang Chải cũng có 3 con gia súc chết, gồm: Xã Nậm Khắt 2 con bê, xã La Pán Tẩn 1 con  trâu. Số gia súc này chết do sức đề kháng yếu không chống chịu nổi khi nhiệt độ đột ngột xuống quá thấp.

Cũng trong ngày 24/1, đợt rét kỷ lục khiến nhiệt độ tại tỉnh Quảng Ninh xuống rất thấp, đặc biệt tại nhiều địa phương có núi cao như huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, TP Uông Bí…tại chùa Đồng (đỉnh núi Yên Tử, TP Uông Bí), nhiệt độ ghi nhận được có lúc xuống mức -5 độ C, hệ thống cáp treo không thể hoạt động vì gió mạnh. Ngoài ra, trên các dãy núi cao của huyện Bình Liêu như Cao Xiêm, Cao Ly xuất hiện tình trạng băng tuyết phủ kín với mật độ khá dày.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 30 con gia súc như dê, nghé, bò bị chết rét. Trước đó, hai đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo toàn bộ các huyện, thị thực hiện phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là trâu, bò và gia cầm.

Người dân còn chịu nhiều thiệt hại nếu như đợt rét kỷ lục còn kéo dài theo như dự báo thời tiết trước đó

Người dân còn chịu nhiều thiệt hại nếu như đợt rét kỷ lục còn kéo dài theo như dự báo thời tiết trước đó. Ảnh Dân Việt

Trước tình hình mưa rét kỷ lục ‘hoành hành’ trên diện rộng, Công điện số 02/CĐ-UBND nêu rõ các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng chống rét cho người và bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác về tận các thôn, bản để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cơ sở thực hiện phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, đặc biệt là trâu, bò và gia cầm,…

Trước tình hình rét ngày càng tăng, hiện tại các địa phương tiếp tục bố trí các đoàn về đến từng thôn, bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như tu sửa, che chắn chuồng trại bằng bạt, vải mưa, rơm rạ để chắn gió, đảm bảo độ ấm và khô ráo cho gia súc ở trong những ngày rét đậm; thực hiện bổ sung lượng thức ăn tinh và nước muối ấm để tăng khả năng phòng chống rét cho gia súc, gia cầm.

Được biết theo dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, đợt rét kỷ lục với mưa tuyết, rét đậm, rét hại còn kéo dài đến ngày 27/1/2016.

Phan Huyền (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang