Dự án 61 Trần Phú rậm rịch khởi động

author 15:53 19/10/2019

(VietQ.vn) - Ngay khi CTCP Thiết bị Bưu điện hoàn tất việc di dời, một tổ hợp đa chức năng với khoảng 75.000 m2 sàn thương mại sẽ được mọc lên tại địa chỉ 61 Trần Phú với vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô.

Hàng "độc" Ba Đình

Khu đất hơn 9.000m2 tại địa chỉ 61 Trần Phú, quận Ba Đình có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, chỉ cách Lăng Bác khoảng 400m, hiện được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef).

Giữa thập niên trước, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.

Đối tác được chọn là liên danh CTCP Him Lam - Liên Việt Holdings. Hai bên ngày 28/12/2011 ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), bộ đôi công ty liên quan tới đại gia Dương Công Minh góp 509,2 tỷ đồng còn lại.

Đây là lần "se duyên" thứ hai của Postef với doanh nhân họ Dương trong năm 2011. Chỉ ít tháng trước đó, VNPost khi đang là thành viên của Tập đoàn VNPT đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Liên Việt (thành viên Him Lam Group) sau khi góp vốn bằng Công ty Tiết kiệm Bưu điện. Nhà băng này sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank).

Khu đất đắc địa gần 9.000 m2 mặt đường Trần Phú chuẩn bị xuất hiện tổ hợp đa chức năng. Ảnh: Thu Hương

 

 

Dù đã có sự chuẩn bị từ khá lâu, song phải gần 6 năm sau, UBND TP.Hà Nội ngày 24/6/2017 mới có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cụ thể, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766 m2. Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang là 42,9m.

Trong năm 2018, Postef đã thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo Công văn số 401/KH&ĐT-NNS ngày 18/1/2018 của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội và tiền thuê đất theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018 của Chi cục thuế quận Ba Đình. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này với mục đích sử dụng mới.

Tại thời điểm 30/6/2019, dự án vẫn đang triển khai các bước công việc để tiến đến việc xin cấp phép xây dựng; Liên Việt Holdings đã chuyển cho Postef 836 tỷ đồng để nộp tiền thuê đất và các chi phí khác.

Dự kiến ngay khi hoàn tất thủ tục pháp lý và Postef thực hiện xong việc di dời, dự án sẽ được khởi công luôn trong năm 2019 và hoàn thành năm 2021. 75.000 m2 sàn thương mại của tổ hợp 61 Trần Phú tới lúc đó sẽ là hàng "độc" khi khu vực trung tâm Ba Đình gần như không có các dự án thương mại quy mô lớn. Dự án lớn nhất là 8B Lê Trực cách đó vài số nhà đang vướng lùm xùm "cắt ngọn" và vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.

Vai trò then chốt của LienVietPostbank

Từng là một thành viên của Him Lam Group, LienvietPostbank dĩ nhiên đã rất tích cực trong thương vụ 61 Trần Phú.

Tới cuối tháng 6/2016, LienVietPostbank đã đặt cọc 1.410 tỷ đồng với mục đích thuê văn phòng dài hạn, cho dù tới thời điểm đó dự án vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Cho tới cuối tháng 6/2019, LienvietPostbank vẫn duy trì khoản đặt cọc 705 tỷ đồng vào dự án 61 Trần Phú.

LienVietPostBank đang đặt cọc hơn 700 tỷ tiền thuê văn phòng dài hạn tại dự án 61 Trần Phú dù chưa thành hình.

 

 

 

Dù về mặt pháp lý không còn liên quan đến nhau, song các tài liệu  của PV cho  thấy mối quan hệ giữa Him Lam và LienvietPostbank vẫn rất bền chặt khi nhà băng này là đối tác tín dụng quen thuộc, với dòng vốn đã và đang chảy xuyên suốt các dự án lớn nhỏ của Him Lam.

Một vài dự án tiêu biểu có thể kể đến Dự án khu cao ốc văn phòng kết hợp TMDV và căn hộ ở - officetel Lô Y, khu nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng tại quận 7 (TP.HCM), khu nhà ở Him Lam Vĩnh Tuy, dự án Him Lam Phúc Lợi, khu nhà ở cao tầng tại lô đất có ký hiệu A4 và A6 thuộc Dự án Khu nhà ở Him Lam Thạch Bàn tại quận Long Biên (Hà Nội); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu tại Đồ Sơn, Hải Phòng...

Không ít tài sản của Him Lam cũng đang được cầm cố tại các chi nhánh của LienVietPostbank như sàn thương mại thuộc Khu nhà ở chung cư cao tầng Him Lam Chợ Lớn, phường 11, quận 6; sàn thương mại thuộc Chung cư cao tầng lô A3, Khu dân cư Him Lam, Phường Tân Hưng, Quận 7 (TP.HCM) hay đáng chú ý hơn cả là một tài sản đảm bảo được LienVietPostbank định giá 4.091 tỷ đồng vào ngày 9/2/2018.

Nhà nước thu về bao nhiêu tiền?

Thực hiện theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018, Postef đã nộp 604,799 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2.

Tính ra mỗi m2 đất mặt đường Trần Phú đã nộp cho Ngân sách Nhà nước với mức giá 80,4 triệu đồng.

Theo Quyết định 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP. Hà Nội, giá đất tại vị trí 61 Trần Phú là 108 triệu đồng/m2 với đất ở và 53,5 triệu đồng/ m2 đối với đất thương mại, dịch vụ.

Tham khảo tại một số sàn giao dịch bất động sản, giá đất trên đường Trần Phú đang được rao bán từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng cho mỗi m2 tuỳ vị trí.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Postef đã thông qua chủ trương chuyển nhượng phần góp vốn trong dự án. Tuy chưa được tiết lộ trong các báo cáo của Postef nhưng sẽ không bất ngờ nếu chính là liên danh Liên Việt Holdings - Him Lam Group tiếp tục được chọn là đối tác trong lần sang nhượng này.

Ngoại trừ sợi dây ràng buộc là hợp đồng hợp tác đầu tư ký cuối năm 2011, nhóm Liên Việt - Him Lam nhiều năm nay đã chủ động gia tăng ảnh hưởng ở Postef.

Đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Bích Hồng - khi đó là Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS) đã mua 13,94% cổ phần Postef. Cập nhật đến thời điểm hiện tại, nhóm này đang nắm ít nhất 23,85% Postef, thông qua bà Nguyễn Thị Bích Hồng (6,688%), ông Huỳnh Văn Phát (5,838%) và trực tiếp công ty Chứng khoán Liên Việt giữ 11,323%.

Theo Báo Người đưa tin

Dự án TMS Đầm Cói 'đắp chiếu' chục năm: Doanh nghiệp im lặng, địa phương nói 'chả có quyền gì'(VietQ.vn) - Mặc dù dự án TMS Đầm Cói của chủ đầu tư TMS Group đắp chiếu gần 10 năm nhưng đến nay địa phương vẫn khẳng định chưa nhận được quyết định thu hồi đất hay yêu cầu phối hợp làm việc với doanh nghiệp.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang