Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống: Giá nước đắt đỏ, nhiều rủi ro tiềm ẩn

author 06:45 24/10/2019

(VietQ.vn) - Bán nước sinh hoạt với giá đắt đỏ trong khi công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác, sử dụng, Nhà máy nước mặt sông Đuống đang khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả.

Hưởng lợi khi nguồn nước sông Đà “gặp nạn”

Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống là công ty con của Tập đoàn AquaOne, đơn vị này chính là chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống vừa được khánh thành vào đầu tháng 9/2019.

Theo đại diện Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, trong giai đoạn 1, mỗi ngày nhà máy sẽ cung cấp 300.000m3 nước cho khoảng 3 triệu người dân Hà Nội và vùng lân cận (gấp đôi so với công suất hiện tại của Nhà máy nước sạch Sông Đà của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà). Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt có quy mô cấp vùng, với tổng diện tích 65ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng với 2 phân kỳ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Nhà máy nước mặt Sông Đuống không chỉ cung cấp nước sạch cho các quận nội thành mà còn đưa nước sạch đến người dân ở nhiều huyện ngoại thành xa trung tâm như: Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn... Nhà máy này còn bổ sung cấp nước vùng cho các xã thuộc huyện Văn Giang - Hưng Yên, khu đô thị EcoPark (Hưng Yên), bổ sung cấp nguồn nước cho thị xã Từ Sơn, khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)…

Với quy mô “khủng” như vậy, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được kỳ vọng có thể là sự lựa chọn thay thế cho các nhà máy khác trong trường hợp thủ đô Hà Nội gặp phải sự cố về nước sinh hoạt. 

Trên thực tế, những kỳ vọng kể trên đã thành hiện thực bởi sự cố nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu khiến người dân trên địa bàn điêu đứng vì thiếu nước. Do vậy, Hà Nội buộc phải mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá là 10.264 đồng/m3, cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác. Cụ thể, thời điểm hiện nay giá mua buôn nước sạch sông Đà là 5.069,76 đồng/m3. Nhưng, giá bán nước sinh hoạt tại giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.264 đồng/m3, lộ trình tăng giá bán nước là 7%/năm (14 năm).

Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao. Ảnh: Dân trí 

Lí giải về việc vì sao Hà Nội phải mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác, đại diện nhà máy này cho biết đó là do đầu tư lớn, bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng.

“Tính đến nay, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81 km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua 2 con sông là sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước (trong đó đa phần sử dụng ống XinXing của Trung Quốc - loại ống nước mà Thủ tướng đã yêu cầu dự án nước sông Đà giai đoạn 2 không sử dụng) để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, lên tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính?", vị đại diện này cho biết.

Vị đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho rằng, chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng. "Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều", vị đại diện này nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc Nhà máy nước mặt sông Đuống thu giá nước đắt đỏ không chỉ ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng mà còn đặt thêm cho Hà Nội những áp lực nhất định trong việc phân bổ kinh phí bù giá.

Bởi theo báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP.Hà Nội, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.

Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá.

Giá đắt đỏ nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro

Hẳn dư luận chưa quên, vào ngày 3/6/2019, xe container mang biển kiểm soát 15C - 044.77 xảy ra sự cố sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của Nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm cho biết vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà  một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày. Sự cố sụt lún dẫn tới xe hạng nặng sập hố gây vỡ ống nước của nhà máy nước mặt sông Đuống đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng ống và chất lượng thi công của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019. Ảnh: Dân Việt

 

 

Những lo lắng này không phải không có cơ sở bởi dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã sử dụng ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) - doanh nghiệp từ năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà. Nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này. Đáng chú ý, chỉ vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng tại gói thầu cung cấp ống cho nước sông Đà, hợp đồng cung cấp ống cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã được ký với chính nhà thầu Xinxing.

Chưa dừng lại ở đó, gần đây, dư luận còn đang rất quan tâm đến việc Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) có văn bản chỉ rõ một số tồn tại của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống trước thời điểm dự án này được khánh thành. Cụ thể, vào ngày 30/8/2019, Cục có công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND TP.Hà Nội về việc khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Công văn nêu rõ: Công trình nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục Giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Công văn lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Mặc dù vậy, bất chấp những tồn tại có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình đã được Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng chỉ rõ, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống vẫn tiến hành lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống, sau đó đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng, cấp nước cho người dân.

Việc làm mang tính “tiền trảm hậu tấu" này của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khiến dư luận hết sức lo ngại đồng thời đặt ra câu hỏi liệu có phải công ty này đang bỏ ngoài tai những chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan chức năng hay không? Việc công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đưa vào khai thác, sử dụng liệu có phải là hành vi coi thường lợi ích, sức khỏe của người dân? Trường hợp công trình khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã vội vã vận hành, khai thác có ảnh hưởng xấu tới chất lượng, đem lại rủi ro cho công trình?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang