Phạt mũ không phải mũ bảo hiểm từ 1/7: Đã đủ cơ sở

author 09:48 20/06/2014

(VietQ.vn) - Thay vì xử phạt mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chất lượng, thì tới 1/7, cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở khi xử phạt hành vi đội mũ không phải mũ bảo hiểm

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ảnh), khi trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam


Thưa ông, kế hoạch chiến dịch kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH lần này sẽ tập trung vào những hoạt động nào?

Trong kế hoạch lần này Ủy Ban chủ yếu tập trung xử lý những loại mũ không phải mũ bảo hiểm. Tất nhiên chất lượng MBH vẫn phải đề cập tới, song đây là vấn đề phức tạp, cần phải có thời gian dài để giải quyết.

Những loại mũ không phải MBH như mũ nhựa, mũ thể thao, mũ thời trang, mũ cối…tức là, bằng mắt thường  thông qua kiểu dáng cũng có thể phân biệt được đó không phải MBH dành cho người đi mô tô xe máy.

Chính vì thế, 2 nhiệm vụ trọng tâm trong chiến dịch lần này sẽ là:  Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy. Thứ hai là xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất kinh doanh MBH, cấm các loại mũ không phải MBH nhập lậu trên thị trường…

Bươc tiếp theo (từ 1/7) sẽ tiến hành kiểm soát, xử lý nghiêm người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội MBH, đội mũ không phải MBH. Bên cạnh đó cũng nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng triển khai đồng loạt, thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trên toàn quốc.

Như vậy, có thể hiểu từ 1/7 tới, những người đi mô tô, xe máy đội mũ không phải MBH mới bị xử phạt. Còn MBH dởm, kém chất lượng thì sao thưa ông?

Đúng vậy, từ 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không phải MBH với mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Những người đội mũ bảo hiểm tem bị mờ hoặc không có tem hoặc mất tem không bị xử lý.

Việc xử phạt MBH dởm, mũ làm nhái MBH, trước hết thuộc về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước như: quản lý thị trường, cục quản lý sản phẩm hàng hóa, lực lượng cảnh sát kinh tế. Những cơ quan này sẽ phối hợp, thường xuyên tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những đơn vị sản xuất kinh doanh MBH không đạt chất lượng, không cho cung ra thị trường những loại mũ này.

Về phía người dân, trước mắt vẫn cần tiếp tục tuyên truyền việc đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe máy, sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH. Bên cạnh đó là phổ biến cách cách nhận biết và phân biệt MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy với mũ không phải MBH, sẽ thông qua 3 tiêu chí: mũ có đủ 3 lớp (vỏ mũ, lớp hấp thu xung động bên trong, quai mũ); ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR.

Mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 1/7 tới

Thực tế vấn đề xử lý MBH không đạt chất lượng đã được quy định từ NĐ34 năm 2010 rồi lại NĐ 71 năm 2012 và tới nay là NĐ 171 thay thế, tuy nhiên mũ bảo hiểm dởm, kém chất lượng, thậm chí nhái vẫn cứ được vô tư kinh doanh và sử dụng. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Lý do những đợt ra quân xử phạt trước không đạt hiệu quả là chúng ta  tập trung  xử lý MBH không đạt chất lượng trong khi căn cứ pháp lý về tiêu chí xử phạt lại chưa đầy đủ. Chính vì vậy, lực lượng thực thi lúng túng khi không biết căn cứ vào đâu để kết luận MBH có đạt chất lượng hay không. Thậm chí, tại Đà Nẵng còn đề xuất mua máy thử để dễ nhận biết, phân biệt MBH đạt và không đạt chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn.

Ngay cả các cơ quan quản lý như Bộ KH-CN, Bộ Công Thương cũng đã thể hiện tinh thần quyết liệt khi họ khẳng định nếu phía công an triển khai thì họ cũng sẵn sàng  cử cán bộ, chuyên viên theo dùng đoàn để chỉ ra MBH nào đạt chất lượng. Tuy nhiên, rõ ràng phương pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn này không thể triển khai rộng rãi ở tất cả tỉnh thành trên cả nước, nên khó có thể duy trì thường xuyên.

Tuy nhiên, hiện nay NĐ 171 thay thế đã sửa đổi nói rõ hơn quy chế xử phạt: “Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Chính vì vậy trong đợt ra quân lần này, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở khi xử phạt hành vi đội mũ không phải mũ bảo hiểm.

Tóm lại, quy định pháp lý tới nay đã khá đầy đủ quan trọng khâu tổ chức thực hiện sao cho nghiêm mà thôi!

Ngoài ra, liệu ý thức của người dân khi chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu quy định pháp luật, cũng là nguyên nhân khiến mũ nhái MBH được tiêu thụ và sử dụng công khai?

Phải thừa nhận trong thời gian qua,ý thức người dân cũng đã có phần thay đổi, tuy nhiên tình trạng bày bán, sử dụng mũ không phải MBH, vẫn còn phổ biến. Những hình ảnh đội mũ chỉ để cho có, không đúng quy cách, không cài quai, thậm chí có những bạn trẻ còn cố tình xoay ngược mũ khi đội…vẫn ngang nhiên diễn ra như thách thức cơ quan chức năng.

Để nâng cao ý thức, thì công tác tuyên truyền vẫn phải được chú trọng, cốt sao cho người dân hiểu tác dụng đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Hiện thị trườngMBH rất đa dạng phong phú, có sản phẩm cao cấp cũng có sản phẩm bình dân nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn nhưng chắc chắn với giá chỉ vài chục nghìn một chiếc MBH thì không thể đảm bảo. Chính vì vậy, người tiêu dùng đừng ham rẻ mà mua những loại mũ không có tác dụng bảo vệ tính mạng của chính mình và người thân.

Xin cám ơn ông!

Theo quy định, MBH đạt chuẩn phải được dán tem CR theo đúng quy chuẩn QCVN 2 – 2008 và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. MBH phải có hình dáng theo quy chuẩn hàng hóa đã được Bộ Khoa học - Công nghệ quy định và phải đủ 3 lớp: Lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp hấp thụ xung động và lớp đệm lót, dây quai mũ và khóa mũ


Hoàng Vũ (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang