Đủ chứng cứ, người tiêu dùng có quyền kiện!

author 07:09 07/08/2013

Người tiêu dùng phải có đủ chứng cứ liên quan tới quá trình mua bán, sử dụng, bảo hành sản phẩm. Trong đó hóa đơn, chứng từ mua bán là chứng cứ vô cùng quan trọng trong việc khiếu nại.

 Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, một trong những quyền của người tiêu dùng là khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn
Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn.

 

Gần đây, thông tin bún nhiễm chất tinopal gây ung thư, gạo mốc bị tẩy trắng bằng hóa chất độc hại, sữa nhiễm khuẩn… khiến người tiêu dùng hoang mang vì họ không hề được bảo vệ. Ông có thể lý giải thực tế này?

Một trong những quyền của người tiêu dùng là quyền được an toàn. Nhưng hiện nay, họ không được bảo đảm quyền lợi thiết thực đó, do các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng chưa đủ và chưa được thực hiện quyết liệt.

Đối với vấn đề thực phẩm bẩn, nhiễm độc, trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm thuộc về các cơ quan khác nhau như Cục An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý thị trường, hải quan. Có thể do quá trình thẩm định, thử kiểm, kiểm tra của các cơ quan này còn lỏng lẻo, nên đã để “lọt” các sản phẩm như bún nhiễm chất gây ung thư, gạo mốc, sữa nhiễm khuẩn…. Thứ hai, do việc thử nghiệm, xác định cần có kinh phí, thời gian, và cán bộ có trình độ nên chúng ta tiến hành không thường xuyên.

Quá trình thẩm định, kiểm soát các mặt hàng lương thực, thực phẩm, theo ông hiện có vấn đề đáng quan ngại?

Tôi cho rằng, không chỉ vấn đề sữa Abbott nhiễm khuẩn hôm nay, mà trước kia chúng ta cũng có bài học về thạch rau câu bị nhiễm hoạt chất DEHP nghi gây ung thư. Điều đó cho thấy, hàng rào pháp lý, kỹ thuật của chúng ta trong việc ngăn chặn các sản phẩm lương thực, thực phẩm kém chất lượng còn lỏng lẻo.

Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần rà soát lại, nếu không sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng những sản phẩm kém chất lượng, nhiễm độc, nhiễm khuẩn “lọt lưới”. Và cuối cùng, người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả.

Khi sử dụng gạo bẩn, bún bẩn, sữa nhiễm độc… người tiêu dùng sẽ gặp thiệt hại gì? Và trong các trường hợp này, họ sẽ phải xử lý ra sao?

Ngoài quyền được an toàn, người tiêu dùng còn có quyền được bồi thường, khiếu nại, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Để khiếu nại, khởi kiện trực tiếp tới người cung cấp, tới cơ quan quản lý, tới các tổ chức xã hội (như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), người tiêu dùng phải có đủ chứng cứ liên quan tới quá trình mua bán, sử dụng, bảo hành sản phẩm. Trong đó hóa đơn, chứng từ mua bán là chứng cứ vô cùng quan trọng trong việc khiếu nại.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm, người tiêu dùng có thói quen mua bán trao tay tại các chợ. Vì vậy, nhiều trường hợp không lưu giữ chứng cứ, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khiến việc khiếu nại, khiếu kiện sẽ rất khó khăn.

Cảm ơn ông.

Nhiều người tiêu dùng không được bảo đảm quyền lợi thiết thực, do các biện pháp bảo vệ chưa đủ và chưa được thực hiện quyết liệt.

Theo Tiền Phong

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang