Dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU còn rất lớn

author 06:46 13/12/2020

(VietQ.vn) - Có thể nói, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này tới nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Trong đó, các chuyên gia cho biết, dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU còn rất lớn.

Theo thông tin mới đây nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11/2020, kim ngạch nông sản ước đạt gần 3,72 tỷ USD. Nhiều mặt hàng như rau quả, cà phê, hạt điều, các sản phẩm từ gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD. Như vậy, bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, phấn đấu cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đạt trên 41 tỷ USD từ xuất khẩu.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, chúng ta đã chứng kiến nhiều lô xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định, như: Thủy sản tôm đông lạnh, chanh leo xuất khẩu sang Đức; Trái cây (gồm bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; Gạo thơm xuất khẩu sang Séc... Đây là những lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU. 

Chanh leo chế biến xuất khẩu là một trong những mặt hàng thời gian qua có sự phát triển mạnh. Ảnh minh họa.

Đơn cử, chanh leo chế biến xuất khẩu là một trong những mặt hàng thời gian qua có sự phát triển mạnh, có đầu ra rất ổn định, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Tại khu vực này, trước đây cũng có trồng chanh leo. Tuy nhiên, sau khi được mùa, giá hạ, nhiều hộ dân đã chặt bỏ. Từ khi có nhà máy chế biến chanh leo xuất khẩu mới được xây dựng tại huyện MangYang, tỉnh Gia Lai, đầu ra quả chanh leo đã giải quyết, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho mặt hàng chế biến có giá trị này.

 
EU hiện là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch chiếm 11,75% thị phần. Với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU được đánh giá là thị trường lớn có mức thu nhập cao.
 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này tới nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu. Thực tế cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, dư địa xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn rất lớn. Để tiếp tục  nâng cao vị thế trên thị trường thế giới, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.

"Việc mở rộng thị trường xuất khẩu đóng một vai trò rất quan trọng chúng ta cần tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ" - ông Nguyễn Quốc Toản nêu quan điểm.

Được biết, thời gian còn lại từ nay đến hết năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp theo dõi diễn biến thị trường, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại, ổn định nguồn cung thực phẩm, nông lâm sản dịp tết. Dự tính, trong quý IV/2020, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt hơn 41 tỷ USD...

Cải thiện chất lượng nông sản từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học (VietQ.vn) - Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học giúp nông sản cải thiện chất lượng rõ ràng về tỷ lệ chất xơ, vitamin, độ ngọt. Đồng nghĩa với việc giá bán các sản phẩm này sẽ cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các sản phẩm canh tác bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang