Du lịch hứng cú sốc từ đại dịch Covid-19

author 17:56 27/03/2020

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và sau đó lan ra toàn thế giới đã giáng cú sốc cho ngành du lịch toàn cầu trong những tháng đầu năm 2020.

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, với doanh thu 5,7 nghìn tỷ USD, tạo ra khoảng 319 triệu việc làm.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và sau đó lan ra toàn thế giới đã giáng cú sốc cho ngành du lịch toàn cầu trong những tháng đầu năm 2020.

Covid-19 “thổi bay” 50 triệu việc làm của ngành du lịch

Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo dịch Covid-19 có thể khiến 50 triệu người lao động ngành du lịch mất việc. Con số này tương đương với 12-14% tổng lực lượng lao động của lĩnh vực này trên toàn thế giới.

"Sự bùng phát của Covid-19 là hiểm hoạ lớn với toàn bộ ngành công nghiệp, với những người trong ngành và cả những người mong muốn đi du lịch," ông Gloria Guevara, chủ tịch và CEO của WTTC nhận định.

Cơ quan này cũng đưa ra các khuyến nghị cho các chính phủ nhằm đẩy mạnh sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói sau đại dịch, bao gồm cải thiện hệ thống xử lý giấy tờ du lịch, gỡ bỏ các rào cản chính sách, đề ra các biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ các địa điểm thu hút khách du lịch bằng mọi nguồn lực có thể. 

Trong báo cáo nghiên cứu ra mắt ngày 10/3 vừa qua, Hiệp hội Công tác Du lịch toàn cầu ước tính doanh thu ngành du lịch thu được từ các chuyến công tác của doanh nghiệp sẽ bị thổi bay 820,7 tỉ USD, tương đương 54% doanh thu kỳ vọng năm 2020.

Du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ

Tại Việt Nam, để hạn chế dịch bệnh lây lan, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18/3/2020.

Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm đáng kể trong hai tháng đầu năm. Theo số liệu công bố mới đây bởi Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020, ước đạt hơn 462 nghìn lượt, giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Ba như vậy đạt mức thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2010-2020.

Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người, chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 92,1%.

Khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người, giảm 3,1%; khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người, giảm 20,2%; khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người, giảm 14,4%; khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người, tăng 2%.

Dịch bệnh cũng khiến nhu cầu du lịch của du khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí.

Mất bao lâu để phục hồi?

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, cho biết công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.

Các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại TP HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội).

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến công suất phòng đạt được trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống còn một chữ số tại phần lớn các điểm du lịch.

Trong khi đó, các điểm đến ven biển như: Đà Nẵng, Hội An… đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những nơi này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khách nước ngoài cùng với lượng lớn nguồn cung gia nhập thị trường, dẫn tới tình trạng nhiều dự án hiện chỉ đạt mức công suất dưới 10%. Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư đang xem xét việc tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.

Nhận xét về khả năng phục hồi sau đại dịch, ông Mauro cho rằng thông thường sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Do đại dịch Covid-19 có quy mô lớn hơn và có tác động đáng kể hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn còn khách quốc tế sẽ có một sự phục hồi chậm nhưng ổn định. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch.

"Ngành du lịch Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020. Nhưng Việt Nam hiện có tỉ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại" - vị chuyên gia này nhận định.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang