Du lịch theo tour: Khách hàng là "con gà dễ vặt lông"

author 08:38 19/06/2013

(VietQ.vn) - Mùa hè, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, đây cũng là mùa “bội thu” của các công ty dẫn tour du lịch. Ngoài số tiền trong hợp đồng thì một số công ty, hướng dẫn viên du lịch tìm mọi cách để móc túi khách hàng.

Sự kiện: Kinh nghiệm du lịch giá rẻ

Khách du lịch nào cũng mong muốn đặt tour du lịch có dịch vụ chất lượng tốt

Dồn phòng, ép khách

Nếu ai hay đi du lịch theo tour thì việc chứng kiến và phải ở cảnh chật trội do dồn phòng, ép khách của nhà tour là không hề hiếm. Thậm chí có nhiều hành khách còn phải chịu cảnh ăn “cơm thừa, canh cặn” khi đi du lịch. Thực trạng này không phải là mới xảy ra, mà nó đã từng tồn tại cách đây hàng chục năm trước.

Bác Quốc Toản (Hoàng Cầu – Hà Nội) cho biết, cơ quan bác năm nào cũng tổ chức đi du lịch vào dịp hè, mỗi năm mỗi địa điểm và thuê nhiều công ty du lịch khác nhau, nhưng chung quy lại thì năm nào cũng vậy không bị cái nọ, thì bị cái kia. “Tôi còn nhớ có một lần đi Sầm Sơn, đã đặt tour trước hàng tháng, thế mà đến nơi họ kêu hết phòng và phải dồn người ở chung phòng, chẳng lẽ mất tiền trọn gói rồi mà lại bỏ ra ngoài thuê chỗ khác, thôi cắn răng chịu vậy”, bác Toản tâm sự.

Giống như bác Toản, chị Lê Thị Thanh Hằng, đang làm nhân viên một công ty bất động sản ở Cầu Giấy cho biết: “Tốt nhất khi đi du lịch xa, mình nên tự  liên lạc và thuê xe, chứ đi theo tour tiền vẫn mất bấy nhiêu mà dịch vụ thì có những cái không thể chấp nhận được”.

“Ai đời, họ lên thực đơn gửi mình trước khi đi rồi, nhưng khi đến nơi thì lại hết đồ, đổi món, đưa đi ăn muộn … khi hết tour họ có trả lại tiền cho mình đâu. Vậy tiền đó không vào túi họ thì vào túi ai”, chị Hằng bức xúc kể.

Nhưng cũng không ít du khách gặp phải những mánh khóe của nhà tour trong việc dồn phòng, giảm chất lượng bữa ăn

Đó chỉ là những trường hợp điển hình, trên thực tế thì những hướng dẫn viên du lịch luôn tìm mọi cách để “móc túi” khác hàng. Họ “móc túi” từ những bữa ăn, phòng nghỉ cho đến tiền xe và tiền dịch vụ du lịch.

“Dựa vào đồng lương có mà chết đói …"

Đó là câu trả lời của chị Thu Hương, hướng dẫn viên tại một tour du lịch từ Hà Nội lên Sapa (Lào Cai). Chị Hương cho biết: “ Chúng tôi làm nghề này thu nhập ngoài là chính, chứ dựa vào mấy đồng lương công ty trả thì có mà chết đói à …”. Theo chị Hương, muốn kiếm thêm thì phải khéo và phải làm lâu trong nghề thì mới có thu nhập. Thông thường đoàn càng đông thì thu nhập ngoài càng nhiều.

Theo các hướng dẫn viên du lịch lâu năm thì thu nhập ngoài dựa trên hai nguồn chính: thu nhập chính đáng và tận thu. Thu nhập chính đáng đó chính là tiền môi giới, đây chính là sự tận dụng các mối quan hệ làm ăn với các khách sạn, nhà nghỉ và quán ăn. Họ thu tiền từ việc chiết khấu phần trăm khi dẫn khách đến các nới này.

Còn nguồn tận thu đó chính là các dịch vụ ăn bớt, thông thường họ ăn bớt tiền nhà nghỉ và tiền ăn. Trong đó, tiền ăn là dễ ăn bớt nhất vì không chỉ có mối quan hệ trước với nhà hàng mà họ còn có thể báo nhà hàng giảm khẩu phần cũng như thành phần bữa ăn. Điều này chỉ có những khách đã đi du lịch nhiều thì mới có thể nhận biết được.

Ảnh minh họa

Anh Phạm Văn Tùng, một hướng dẫn viên du lịch chuyên đưa khách về khu vực miền Trung cho biết: “Chúng tôi làm nghề này, cả năm được có hai mùa du lịch là sau Tết và dịp hè, không tận dụng thì lấy gì mà nuôi nhưng tháng còn lại”. Theo anh Tùng thì: “mình cũng không nên “tham” quá, chỉ nên tận dụng nguồn ăn chia phần trăm là đủ, chứ ăn bớt nhiều cuả khách mà quá lộ liễu là mất việc như chơi”.

Theo tiết lộ của các nhà hàng và khách sạn ở các khu du lịch, khi hướng dẫn viên dẫn đoàn đến nghỉ hoặc ăn uống họ thường đặt vấn đề và đòi chia phần trăm, thông thường nhà nghỉ là 30% còn nhà hàng ăn uống là 20%.

Chị Hoàng Thị Tám, nhân viên một khách sạn thuộc hệ thống quân đội tại Sapa cho biết: “Thực ra, chúng tôi không thể ra ngoài bến xe, bến tàu để câu kéo khách theo kiểu mấy nhà nghỉ bình dân được, nên đành chấp nhận chia phần trăm cho họ để có khách”.

Ở mỗi khách sạn đều có nhiễu mức giá phòng khác nhau, tuy nhiên để “ăn bớt” được thêm của khách, họ thường đặt loại phòng rẻ nhất và báo là loại phòng đắt nhất. “Chỗ chúng tôi, có 3 mức thuê phòng, nhưng đa số các tour đều đặt phòng rẻ nhưng lấy hóa đơn phòng đắt, và có cam kết, khách hàng hỏi thì nhân viên không nói gì” chị Tám chia sẻ.

Như vậy, khi đi du lịch, hành khách không chỉ bị người bán hàng địa phương chặt chém mà còn bị chính dịch vụ mình tự chọn “chém” rất ngọt mà không hề hay biết. Hy vọng, với việc bóc mẽ những chiêu trò trên của các nhà tour, khách du lịch sẽ cảnh giác hơn với những hành trình du lịch sau này.

Ngọc Nữ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang