Du lịch Việt Nam làm gì để trở thành mũi nhọn?

author 11:42 16/07/2016

(VietQ.vn) - Năm 2015, số lượng du khách quốc tế đến chỉ nhỉnh hơn 1/4 lượng khách đến Thái Lan. Đề án phát triển ngành du lịch thành mũi nhọn thì vẫn đang được thảo luận.

Đề án “Phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” được đưa ra thảo luận hôm 15/7.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra nhiều hạn chế của ngành du lịch. Đó chính là hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao, mức độ mở cửa quốc tế còn thấp, thiếu sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, quy định pháp lý, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch bộc lộ một số bất cập, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, sự phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

Đó là chưa nói đến hoặc bỏ qua an ninh của du khách tại Việt Nam, tình hình khá tệ hại đến nỗi Đà Nẵng đang đề xuất thành lập bộ phận cảnh sát du lịch.

Những căn bệnh kinh niên của du lịch Việt Nam

Về hạn chế ở hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao, các đại biểu của hội nghị còn tranh cãi nhau giữa việc Nhà nước xúc tiến hay để doanh nghiệp xúc tiến.

Thử nhìn sang Thái Lan. Đất nước này, theo con số mới nhất, năm 2015 đón 29.880.000 lượt khách quốc tế, gần gấp 4 bốn lần Việt Nam vốn chỉ 7.943.000 lượt .

Trong lễ hội té nước vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã tích cực vận động các công ty du lịch thông báo cho các du khách quốc tế biết, Thái Lan sẽ không thiếu nước, đừng huỷ tour.

Những động thái xúc tiến quảng bá du lịch về phần Chính phủ nước này được đưa ra giữa lúc sự tác yếu tác quái của El Nino đang lên đến cao điểm.

Hạn hán tác động sâu sắc đến nhiều vùng nông nghiệp của Thái Lan, nhưng chính phủ nước này, ngoài việc chống hạn, kêu gọi người dân đô thị bớt lãng phí nước trong lễ hội té nước, nhưng vẫn lo đủ nước đáp ứng nhu cầu này của du khách.

Nhất là những năm trước đó, những người làm kinh doanh ở Thái, với ý thức tiết kiệm nước và kéo dài lễ hội té nước mà không phải lấy nước nhiều lần đã sản xuất ra các loại súng bắn nước phục vụ du khách.

Đó là vai trò xúc tiến được phân công giữa nhà nước và hiệp hội du lịch cùng với các công ty lữ hành Thái Lan.

Sản phẩm du lịch nổi trội ở Việt Nam được ông Thiện tổng kết là thiếu. Chẳng những vậy mà còn kém nữa.

Trong khi lễ hội ở Thái Lan là những sự kiện thu hút du khách, còn lễ hội ở Việt Nam thì lại tràn lan và những hệ lụy khiến du khách ngán ngẩm một đi không trở lại.

6 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cụ Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4.706.000 người, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du khách đến từ Hồng Kông và Trung Quốc vẫn chiếm áp đảo, tiếp sau đó là khách từ Thái Lan và Hàn Quốc.

Còn nhận xét chưa có sự liên kết giữa các tỉnh, các ngành. Điều này dứt khoát là công việc các hãng lữ hành.

Nhà nước địa phương chỉ hỗ trợ bằng ngân sách tiếp thị địa phương một cách có hệ thống qua các sản phẩm, thắng cảnh, sự kiện và nhất là ẩm thực - thứ dịch vụ đã được ông vua tiếp thị Philip Kotler gợi ý - Việt Nam hãy trở thành nhà bếp của thế giới.

Thế nhưng, người Thái đã hành động trước khi nẫng tay trên danh hiệu "Nhà bếp của thế giới" này, trở thành slogan của ngành du lịch nước họ.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang