Du lịch Việt Nam: Sợ nhiều hơn vui!

author 06:43 20/06/2013

(VietQ.vn) - Vẫn là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi... nhưng du khách đã hơn một lần bày tỏ những thất vọng kéo dài tới ngành Du lịch Việt Nam.

Sự kiện: Kinh nghiệm du lịch giá rẻ

<br>
Việt Nam xinh đẹp luônlà điểm đến hấp dẫn du khách nước ngoài

Người Việt “sợ” du lịch Việt

Du khách nước ngoài đến Việt Nam liên tục giảm còn du khách trong nước lại đua nhau đi nước ngoài. Những hạn chế của du lịch trong nước cộng thêm tình hình chặt chém đã khiến không ít người Việt nản lòng và chọn các điểm du lịch nước ngoài làm điểm đến so với các nước trong khu vực, du lịch nội vừa thiếu vừa yếu, thêm cả cách làm ăn chụp giật, “bóc lột” danh lam, thắng cảnh đến tàn tạ.

Anh Quốc Phương, một du khách từng đi Sapa than thở: “Suốt hơn nửa giờ thăm bãi đá cổ Sa Pa, gia đình tôi bị một nhóm 7-8 trẻ em cứ vây riết và ra rả: "Mua cho cháu cái này (quà lưu niệm), nếu không mua thì cho 50 nghìn chia nhau, khi không bán được đồ, không được cho tiền thì bọn trẻ quay ra chửi bằng thứ tiếng của riêng họ. Rất bực mình! Ba mẹ tôi tuyên bố từ nay không bao giờ quay lại nơi đây vì đi chơi mà cứ như bị tra tấn".

Chủ đà điểu trên hòn Trống Mái (Sầm Sơn, Thanh Hóa).
văng tục đe dọa du khách.

Còn Phương Anh, nhân viên văn phòng thường xuyên đi du lịch nước ngoài chia sẻ: “Ở Việt Nam mình, nhiều khi đi du lịch tôi có tâm lý rất sợ. Sợ bị móc túi, sợ bị lôi kéo bắt mua, sợ bị chặt chém, sợ thái độ phục vụ, sợ sự mất vệ sinh ở những nơi công cộng... Nói chung, nỗi sợ nhiều hơn niềm vui. Cũng chính vì vậy, tôi ít khi quay trở lại các địa điểm du lịch mà tôi đã từng đến”.

Điểm đáng nói nữa là du khách không những bị kèo nèo đeo bám mà cái giá phải trả cho những khu tham qua di tích lịch sử “chát” quá mức tưởng tượng. "Ở nước ngoài, người dân được miễn phí vé tham quan các di tích lịch sử thì ở mình lại thu vé rất cao trong khi việc bảo tồn không được chú trọng " – anh Nguyễn Hoàng Minh Châu (Cầu Giấy – Hà Nội) thất vọng.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Đức Khánh, nhân viên kinh doanh một công ty thiết bị xăng dầu ở Ba Đình, chia sẻ: "Nếu so sánh tour trong nước và quốc tế cùng mức giá, chắc chắn mình sẽ chọn đi nước ngoài. Không phải vì “sính ngoại” mà các chương trình tour nước ngoài thường phong phú hơn, chất lượng cũng tốt hơn. Ở nước ngoài, họ làm du lịch thân thiện hơn ta nhiều". Anh Khánh dẫn chứng, anh thường xuyên tự đi du lịch các nước khu vực Đông Nam Á nhờ giá vé máy bay rẻ (chỉ khoảng 2 triệu đồng/khứ hồi, rẻ hơn từ Hà Nội vào TP.HCM), chưa kể các dịch vụ ở nước ngoài cũng rất phong phú và hấp dẫn.

"Chặt chém" khách nước ngoài khiến cho họ cảm thấy sợ nhiều hơn vui

Khách nước ngoài “một đi không trở lại”

Trong bài viết "Tại sao tôi không bao giờ quay trở lại Việt Nam" của Matt Kepnes được Huffington Post đăng ngày 30/1/2012. Matt Kepnes đã tuyên bố trong bài viết của mình: "Sau những kinh nghiệm của tôi có được từ năm 2007, tôi sẽ không bao giờ quay trở lại đây trừ khi phải đến Việt Nam với mục đích kinh doanh hoặc do yêu cầu của bạn gái".

Matt Kepnes trả lời rằng: "Tôi đã đến nhiều nơi ở Việt Nam, trong đó Hội An là nơi tôi yêu thích nhất, nhưng thậm chí tôi cũng bị quấy rầy bởi những người bán hàng". Matt Kepnes còn tuyên bố thẳng thừng: "Tôi không muốn quay trở lại vì tôi bị đối xử quá khác biệt. Tôi không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động".

Matt Kepnes cũng cho biết: "khoảng 95 % những người du lịch Việt Nam nói họ sẽ không quay trở lại", đó là lời nhận xét mang tính chủ quan, khá nặng nề của Matt Kepnes trong cuộc phỏng vấn với BBC.

Thật ra Matt Kepnes không phải là trường hợp "không may mắn" duy nhất khi du lịch "bụi" tại Việt Nam. Gần đây nhất là vụ hai vợ chồng trẻ người Hồng Kông sang hưởng lễ Giáng sinh tại Việt Nam và đã bị móc sạch túi trong một lần đi chơi ở TP. Hồ Chí Minh. Cuối cùng, trong khi chờ công an truy tìm lại tài sản, họ đã phải bày bán ảnh du lịch để kiếm sống và ở nhờ nhà dân.

Kiên trì đeo bám, bất chấp sự khó chịu của khách du lịch

Vấn đề hình tượng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế khi sự việc này xảy ra là đề tài nảy lửa trong dư luận và khiến không ít chuyên gia phải đau đầu. Nhưng rốt cuộc, khi Kay và Doris (tên của đôi vợ chồng nói trên) lên đường về nước thì sự việc đã chìm vào quên lãng. Theo lẽ thường tình, có lẽ đôi vợ chồng này cũng khó có thể vui lòng quay trở lại Việt Nam để du lịch. Bởi theo quan điểm của người Á Đông thì "một lần bất tín thì vạn lần bất tin".

Vấn đề là ở chỗ tình trạng "chặt chém" khách du lịch, một số "con sâu làm rầu nồi canh" như tài xế lái xe taxi, xích lô và những nhà hàng "chém đẹp" du khách nước ngoài liệu đến bao giờ mới kết thúc?

Du lịch Việt Nam phải tự "soi mình", tích cực sửa chữa để có thể hút khách và phát triển bền vững. Đây cũng là một cách quảng bá Việt Nam một cách văn hóa nhất, nhất là đối với những du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam, người sẽ mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế một cách hồ hởi và trực tiếp nhất.

Ngọc Nữ
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang