Dự thảo cắt giảm 100.000 công chức, viên chức: Những đối tượng nào "phải đi"?

author 09:12 09/02/2014

Bộ Nội vụ đề xuất, cán bộ, công chức dôi dư do sắp sếp lại tổ chức, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, hạn chế về năng lực, nghỉ ốm nhiều... có thể sẽ nằm trong diện tinh giản biên chế. Theo kế hoạch khoảng 100.000 công chức sẽ bị cho nghỉ việc hoặc về hưu sớm với trong vòng 6 năm từ 2014 đến 2020.

Bộ Nội vụ cho biết, tinh giản biên chế không chỉ cán bộ, công chức trong biên chế mà còn gồm cả: Viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật, người giữ chức danh lãnh đạo quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, người làm việc trong biên chế của các hội có tính chất đặc thù.

Không đạt tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sẽ bị tinh giản

Tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức) trong biên chế công chức hoặc số lượng người làm việc được cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

2- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.

3- Những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

4- Những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

5- Những người có 2 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Sếp các doanh nghiệp cổ phần cũng sẽ bị tinh giản

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

1 - Cán bộ cấp xã nghỉ việc do thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số chức danh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, không thể bố trí được công tác khác.

2- Viên chức, lao động hợp đồng dài hạn theo quy định của pháp luật thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.

3- Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát của công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập; Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh nhưng không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh đó hoặc ở khu vực Nhà nước.

4 - Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.

5- Những người được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt; được tuyển dụng hoặc điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, năng lực, kỹ năng công tác tại chức danh đảm nhiệm theo quy định.

 20.000 người sẽ bị mất việc

Dự kiến, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014 - 2020), trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Mức phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, còn một người thôi việc là khoảng 90 triệu đồng nên tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Đó là chế độ chi vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí.

Hiện tại, cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức, nhưng theo Phó thủ tướng, 30% trong số đó (khoảng  840.000 người) không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. 


Theo NDT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang