Dự thảo tinh giảm 100.000 công chức, viên chức: Không lớn?

author 09:23 14/02/2014

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng, việc tinh giản 100.000 công chức không thể là mục tiêu để giải quyết bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay.

Liên quan đến đề xuất tinh giản 100.000 công chức vừa được lãnh đạo Bộ Nội vụ đưa ra để lấy ý kiến các địa phương, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Châu Minh Tỷ cho rằng: Trước tiên cần có tiêu chí để đánh giá cán bộ hàng năm, đề cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ hơn, nhất là đối với người đứng đầu đơn vị.
- Quan điểm của ông trước đề án tinh giản 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ vừa đề xuất?

Theo tôi, việc tinh giản biên chế 100.000 công chức trong vòng 6 năm mà Bộ Nội vụ đề xuất là không lớn. Cách đặt vấn đề là kế thừa Nghị định 132 của Chính phủ, thật ra là chủ yếu tinh giản biên chế công chức không đạt chuẩn, không đảm bảo tốt nhiệm vụ bằng cách cho nghỉ hưu trước tuổi, chứ thực ra đề xuất này không đặt ra vấn đề giảm biên chế số công chức ở các cơ quan Nhà nước.

- Tinh giản biên chế với số lượng lớn như vậy, theo ông có phải là cách để giảm đáng kể số lượng người không làm được việc trong bối cảnh bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh?

Như tôi đã nói, việc tinh giản 100.000 công chức cũng không thể là mục tiêu để giải quyết bộ máy hành chính cồng kềnh được. Cần phải phân biệt rõ giữa tinh giản biên chế với việc thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Để tinh giản biên chế cần phải điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hoặc những nhiệm vụ mà Nhà nước không cần phải ‘ôm’, mà có thể giao cho các tổ chức khác làm cũng được để giảm số công chức đi thì sẽ căn cơ, bền vững hơn nhiều.

Nếu số lượng công chức bị tinh giản do không hoàn thành nhiệm vụ mà chia đều cho số bộ ngành, địa phương như hiện nay trong vòng 6 năm, thì thực tế giảm không nhiều đâu.

- Thực hiện chủ trương này, theo ông, TP.HCM sẽ phải gặp những khó khăn gì?
Cũng như trước đây chúng ta thực hiện theo Nghị định 132, thì thông thường, chúng ta đánh giá cán bộ, công chức có tiêu chí chưa được cụ thể, rõ ràng nên thường có  tình trạng là cuối năm bình chọn thì ai cũng là hoàn thành nhiệm vụ cả.
Có một thực tế là chúng ta sẽ rất khó kiếm được một người cán bộ nào hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
TP.HCM đang đề xuất trung ương cho thực hiện bộ máy chính quyền đô thị. Điều này sẽ làm cho bộ máy chuyên nghiệp hơn, giảm tầng lớp trung gian, trách nhiệm của cán bộ công chức sẽ rõ hơn, đặc biệt là ở những vị trí lãnh đạo, người đứng đầu.
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ giảm bớt, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, chuyển bộ máy ủy ban ở các cấp trước đây từ quản lý là chính sang phục vụ nhân dân là chính.

Theo nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cần phải phân biệt rõ giữa tinh giản biên chế và giảm bớt những công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao (ảnh minh họa: N.D)
- Trước khi có đề xuất này, tại sao chúng ta lại không thể tinh giản trước những công chức ‘sáng cắp ô đi – chiều cắp ô về’?

Vấn đề ở đây là tiêu chí đánh giá cán bộ công chức chưa theo bất cứ một chuẩn nào. Hiện việc xác định cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ là rất khó. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ mới tổng hợp, lấy ý kiến các báo cáo của các ngành, các địa phương thì chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thôi, như báo chí đã đăng tin.

Trên thực tế còn có một thực trạng là thủ trưởng đơn vị hoàn toàn biết ai là năng lực yếu, nhưng quy định lại là phải có bỏ phiếu, đánh giá bởi tập thể, mà như vậy nhiều khi không có chính xác đâu.

- Việc tinh giản biên chế theo ông nên bắt đầu từ khối cơ quan nào trước?

Nên thực hiện trước ở khối hành chính, nhưng ngay cả các khối Đảng, đoàn thể, mặt trận cũng phải rà soát lại. Bởi lẽ khối hành chính là phục vụ nhu cầu của người dân, thi hành công vụ cũng như quản trị đất nước.

- Làm thế nào để chúng ta có thể xác định được công chức đáp ứng tốt yêu cầu công việc?

Phải làm tiêu chí xác định cho từng chức danh. Điều này có nghĩa là mỗi vị trí làm việc được xem như là một chức danh, và chức danh này phải có tiêu chuẩn hoàn thành công việc ở mức độ nhất định, thì lúc đó muốn đánh giá chất lượng công chức cũng sẽ dễ dàng hơn, chứ như hiện giờ cũng còn chung chung quá, khó đánh giá lắm.

- Còn đối với những người có thể sẽ bị tinh giản biên chế trong đề xuất của Bộ Nội vụ?

Có sẵn các chính sách đã được quy định từ trước, nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta nên có chế độ cải cách tiền lương hợp lý, để làm sao các cán bộ - công chức sống được bằng tiền lương, tránh các trường hợp tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, đem hết sức mình ra phục vụ nhân dân.

Theo VTC News

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang