Ở vị trí đắc địa, loạt khách sạn hạng sang này vẫn lỗ lớn một cách khó hiểu

author 17:30 01/10/2017

(VietQ.vn) - Cung cấp dịch vụ với mức giá đắt đỏ xứng tầm 5 sao nhưng các khách sạn này đều lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu nặng nề.

Intercontinental Hanoi Westlake âm vốn chủ sở hữu 875 tỷ đồng

Tọa lạc tại vị trí đắc địa bên hồ Tây và vươn mình ra bao trọn hàng nghìn mét vuông mặt nước, nếu chỉ gọi khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake là một trong những khách sạn sang trọng nhất tại Hà Nội thì chưa đủ. Phải nói rằng đó là một công trình khách sạn độc nhất vô nhị ở Thủ đô. 

Dù tọa lạc ở vị trí đắc địa, loạt khách sạn hạng sang này vẫn lỗ lớn một cách khó hiểu

Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake. Ảnh: Bookking

Với sự nổi tiếng đó, những người quan tâm sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng Intercontinental Hanoi Westlake thua lỗ triền miên.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu VIRAC, Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm - pháp nhân được lập ra để sở hữu khách sạn này đã bị âm vốn chủ sở hữu lên đến 875 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Trong năm 2014 và 2015, công ty Làng Nghi Tàm đạt doanh thu lần lượt là 345,5 tỷ đồng và 378,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này cũng lỗ lần lượt là 41,7 tỷ đồng và 26,5 tỷ đồng.

Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Công ty T.P.C Development Ltd (hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Malaysia Berjaya) và Thăng Long GTC. Trong đó Thăng Long GTC góp 25% vốn điều lệ trị giá gần 7 triệu USD bằng quyền sử dụng 7.899 m2 đất và 24.088 m2 mặt nước Hồ Tây trong thời gian 40 năm (kể từ ngày 02/07/1991, trị giá 4.551.448 USD) cùng chi phí đền bù và ghi nhận lợi thế địa điểm bằng 2.260.000 USD nhằm đầu tư khách sạn Intercontinental West Lake Hà Nội.

Tại thời điểm cổ phần hóa GTC, giá trị khoản đầu tư (25% vốn điều lệ của Du lịch Nghi Tàm) được định giá là 139 tỷ đồng. Trước đó, khi GTC chưa cổ phần hóa, giá trị khoản đầu tư này ghi nhận theo sổ sách là 109 tỷ đồng và hoàn toàn chưa trích lập dự phòng dù vốn chủ sở hữu của Công ty Làng Nghi Tàm đã âm nặng từ lâu.

Và trong nửa đầu năm nay, Thăng Long GTC đã thực hiện trích lập dự phòng tổn thất cho toàn bộ giá trị đầu tư vào Công ty Làng Nghi Tàm cũng như dự phòng đầu tư vào một liên doanh khác là Công ty Đại Chân Trời. Động thái này dẫn đến chi phí tài chính tăng vọt lên 150 tỷ đồng, qua đó khiến công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 85 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Movenpick Hà Nội âm vốn 90 tỷ đồng

Dù tọa lạc ở vị trí đắc địa, loạt khách sạn hạng sang này vẫn lỗ lớn một cách khó hiểu

Khách sạn Movenpick Hà Nội. Ảnh: visit-mekong.com 

Một khách sạn 5 sao khác ở thủ đô cũng vừa công bố con số lỗ đáng kinh ngạc là Movenpick tại số 83A phố Lý Thường Kiệt. Movenpick cung cấp dịch vụ phòng, cho thuê phòng hội nghị và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, trong khuôn viên Movenpick có một khu riêng biệt để kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài với số lượng tối đa 38 máy.

Báo cáo tài chính năm kết thúc ngày 30/06/2017 của CTCP Roxy – đơn vị sở hữu khách sạn Movenpick Hà Nội cho biết, tính đến 30/06/2017, Roxy đang lỗ lũy kế gần 258 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 91 tỷ đồng. 2 năm trước, tại ngày 1/7/2015, Roxy lỗ lũy kế hơn 300 tỷ đồng.

Trong 26 tỷ đồng lợi nhuận đạt được năm 2017 cũng như 16 tỷ đồng lợi nhuận đạt được năm 2016 của Roxy - những khoản lợi nhuận giúp Roxy bớt lỗ - phần lớn đến từ dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng do được đối tác đảm bảo lợi nhuận.

Cụ thể, Roxy hưởng một khoản lợi nhuận đảm bảo là 1.193.199 USD (tương đương 26,9 tỷ đồng) cho năm kết thúc ngày 30/06/2017 (hơn 100.400 USD/tháng). Năm kết thúc ngày 30/06/2016, lợi nhuận đảm bảo là 1.181.100 USD (tương đương 25,9 tỷ đồng, tức 98.425 USD/tháng). Do hoạt động trò chơi điện tử có thưởng này chỉ đạt lợi nhuận khoảng 16 tỷ đồng/năm nên bên Quản lý vẫn đang phải đền bù cho Roxy để đảm bảo lợi nhuận theo cam kết. Khoản đền bù được ghi nhận vào thu nhập khác.

CTCP Roxy có vốn điều lệ gần 145 tỷ đồng do Roxy Assets Limited nắm 45%, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và đầu tư Hưng Phú năm 15,47% và Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ sản xuất An Thịnh nắm 36%.

Khách sạn Ramana Hotel Saigon âm vốn 209 tỷ đồng

Dù tọa lạc ở vị trí đắc địa, loạt khách sạn hạng sang này vẫn lỗ lớn một cách khó hiểu

Khách sạn Ramana Hotel Saigon. Ảnh: CafeF 

Xuôi về phía Nam, Ramana Hotel Saigon – khách sạn 4 sao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một khách sạn đang lỗ. Theo số liệu chúng tôi có được, Công ty TNHH Ngôi sao Việt, đơn vị sở hữu Ramana Hotel Saigon tính đến năm 2014 lỗ lũy kế 548 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu tới 209 tỷ đồng.

Ramana Hotel Saigon trước đây có tên là Amara Saigon, thuộc sở hữu của Công ty TNHH khách sạn Amara Saigon, 100% vốn nước ngoài. Sau đó được bán lại cho Vina Properties vào năm 2008.

Hơn 5.000 con lợn tiêm thuốc an thần chờ mổ: Nguy cơ bị ung thư nếu ăn phải(VietQ.vn) - Lợn tiêm thuốc an thần vào trước khi giết mổ sẽ làm cho thịt có màu sắc thật bắt mắt, đỏ tươi hơn bình thường, luôn tươi dẻo.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang