Dự trữ ngoại hối kỷ lục là tín hiệu mừng của nền kinh tế

author 16:54 21/10/2015

(VietQ.vn) - Báo cáo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang cao nhất từ trước tới nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục

Dự trữ ngoại hối lớn nhất nhưng chưa đủ 'dày'

Theo báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang lớn nhất từ trước tới nay

Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015 cho biết, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.

 

Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%.

Tín hiệu tích cực của nền kinh tế

Trước báo cáo của Thủ tướng về tình hình dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia này, dự trữ ngoại hối tăng là do có thể xuất khẩu tăng lên, kiều hối tăng mạnh, đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều (bao gồm cả những dòng vốn ODA).

Dự trữ ngoại hối lớn nhất nhưng chưa đủ 'dày'

Dự trữ ngoại hối quốc gia lớn là tín hiệu tốt cho nền kinh tế

Lý giải tín hiệu tốt từ dự trữ ngoại hối, ông Hiếu chia sẻ, dự trữ ngoại hối càng nhiều càng thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ vững thanh khoản quốc gia.

Theo ông Hiếu, một quốc gia cần dự trữ ngoại hối để “trang trải” được cho ít nhất nhất 3 tháng nhập khẩu bởi theo lý thuyết, nếu không đủ ngoại hối cho 3 tháng nhập khẩu, quốc gia đó dễ rơi vào tình trạng thiếu, mất thanh khoản.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối quốc gia còn dùng để thanh toán nợ nước ngoài.

“Dự trữ chưa bao giờ đủ cả nhất là trong tình trạng chúng ta đang nhập siêu lớn. Dự trữ ngoại hối cần lớn hơn nữa”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến hết tháng 7/2015 là 40 tỷ USD (tính cả dự trữ vàng). 

“Theo tôi, lượng dự trữ quốc gia của chúng ta vẫn còn rất mỏng. Chúng ta ít nhất phải có dự trữ có tính thanh khoản đủ 3 tháng nhập khẩu; tối thiểu phải có 10% /dự trữ ngoại hối 3 tháng nhập khẩu để có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá; phải có một lượng ngoại hối để đủ trả nợ nước ngoài hàng năm”, ông Hiếu khuyến nghị.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang