Đua cho vay tiêu dùng lãi suất 0%

author 08:51 27/01/2016

Để có mức lãi suất cho vay trả góp 0%, các đơn vị bán lẻ, công ty tài chính cho biết họ tự chia sẻ chi phí với nhau và chỉ áp dụng cho một số mặt hàng nhất định.

Săm soi chiếc điện thoại smartphone mới trị giá hơn 16,5 triệu đồng vốn yêu thích nhưng chưa đủ điều kiện mua, nay sẵn chiếc điện thoại cũ bị rơi hỏng, lại chuẩn bị về quê ăn Tết nên Thanh Mai, nhân viên văn phòng tại một công ty may ở Tân Bình quyết định mua trả góp.

Cô được nhân viên tư vấn cho biết chỉ phải trả trước 2 triệu đồng, còn công ty tài chính sẽ cho vay 14.590.000 đồng. Lãi suất và số tiền cần góp hàng tháng sẽ được tính dựa trên con số này nhưng do đang dịp khuyến mãi cuối năm và sản phẩm mua thuộc diện được hỗ trợ lãi suất nên Mai được hưởng mức lãi 0%, tức không phải trả tiền lãi hàng tháng. Còn các dòng khác thì có mức lãi trả góp lên đến 2-3% mỗi tháng.

Cho vay tiêu dùng trả góp đang tăng mạnh.

"Tuy nhiên, tôi được đề nghị tham gia bảo hiểm khoản vay vài chục nghìn đồng và nộp thêm phí thu hộ 13.000 đồng mỗi tháng", Mai chia sẻ và cho biết, theo lý giải của nhân viên cho vay thì đó là quy định đối với tất cả gói vay chứ không riêng với gói lãi suất 0%.

Không chỉ Mai, mà còn rất nhiều trường hợp khác thường có nhu cầu mua sắm rất cao, nhất là giới trẻ khi vào dịp gần Tết Nguyên đán. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều công ty tài chính đua nhau tung ra các gói cho vay trong đó đáng chú ý nhất là chương trình trả góp lãi suất 0% để hút khách.

Chẳng hạn như Home Credit vừa phối hợp với FPT Shops, Thế Giới Di động, Viettel tung ra 3 chương trình áp dụng lãi suất 0% cho nhiều mặt hàng khác nhau. Hay FE Credit cho mua trả góp Oppo R7 Lite - lãi suất 0%,

HD SAISON hiện cũng bắt tay với các nhà bán lẻ lớn như: Nguyễn Kim, Pico, MediaMart để cung ứng ra thị trường một loạt sản phẩm vay trả góp (gồm: laptop, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi…) với lãi suất 0%...

Vấn đề là công ty tài chính nào cũng có chi phí vốn nên với việc cho vay lãi suất 0% đang khiến nhiều người lo ngại liệu đây có phải chiêu trò để thu hút người tiêu dùng. Trước những băn khoăn này, bà Vương Thủy Tiên, đại diện Home Credit nhấn mạnh, công ty không có chiêu trò mà là cho vay thật sự (áp dụng 0% cho toàn thời gian vay). Làm được điều này là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ, hợp lý giữa nhà sản xuất, cửa hàng bán lẻ cũng như phía công ty tài chính.

"Thay vì trước đây, chúng tôi phải trả hoa hồng để có sự hiện diện tại các cửa hàng bán lẻ, thì hiện công ty được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất và bán lẻ nên mới có lãi suất ưu đãi cho người tiêu dùng", bà nói.

Ông Lê Đức Thuần, Giám đốc ngành hàng Dịch vụ FPT Retail cũng chia sẻ, với tư cách là đối tác, ông khẳng định những thông điệp về lãi suất, khuyến mãi, khách hàng được hưởng 0% là đúng với cam kết.

Ông thừa nhận, kinh doanh là phải có lợi nhuận, song việc triển khai được các chương trình lãi suất 0% là nhờ các lý do sau. Thứ nhất, chương trình 0% là chương trình kích cầu cho một số mặt hàng nhất định. Thứ 2, chi phí hai bên (đơn vị bán lẻ và công ty tài chính) cùng chia sẻ với nhau và kết quả cuối cùng là người tiêu dùng không phải trả lãi.

Cũng theo ông Thuần, đây là hình thức cho vay tín chấp dựa trên người mua hàng và cho vay, còn FPT bán hàng và có thoả thuận với công ty tài chính. Khi cho vay tín chấp chỉ có giấy tờ bản gốc của họ, nhân viên kiểm tra sự hợp lệ, đối chiếu quy định từng gói vay phù hợp. "Nếu độ tin cậy khách hàng càng cao lãi suất càng thấp, khả năng rủi ro cao lãi suất sẽ tăng lên", ông nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, ở đây có thể có sự thoả thuận giữa công ty tài chính và nhà sản xuất nên lãi suất không thu từ người đi vay mà thu qua hình thức chiết khấu.

Theo ông, nếu đúng là cho vay 0% thì người đi vay không chịu áp lực trả nợ, trả số tiền thấp. Công ty tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp nhà sản xuất tiêu thụ hàng hoá kích thích sản xuất.

Ngoài ra, nó còn có hiệu quả về mặt xã hội bởi với số tiền phải trả ít, sẽ giảm gánh nặng trả nợ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, chương trình đang được đánh giá tốt trong giai đoạn hiện nay, kích thích tiêu dùng. Đặc biệt, đối tượng thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, nếu đánh giá ở phương diện rủi ro sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác bởi đối tượng khách hàng thường là nhỏ, nhiều khi các tổ chức tín dụng khác chê. Đó là chưa kể chi phí của công ty tài chính thường cao nên ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của các công ty này tương đối cao, cần phải quản lý tốt dự phòng rủi ro, thu hồi nợ.

Ông Minh thông tin thêm, 5 năm trước, khi thị trường chưa được các công ty tài chính quan tâm, tỷ trọng cho vay với nền kinh tế thấp. Cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tương đương 16.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối 2015, con số này đã tăng lên 6,8% tương đương 90.000 tỷ đồng.

Theo VNE


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang