Đưa khí dầu mỏ hóa lỏng vào chuẩn

author 16:01 11/10/2012

(VietQ.vn) - Từ 1/6/2013 khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) chỉ được phép lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 8:2012/BKHCN.

 

Quy chuẩn đã đưa ra quy định các mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với khí dầu mỏ hóa lỏng sử dụng làm khí đốt và dùng làm nhiên liệu cho động cơ của phương tiện giao thông đường bộ; các phương pháp thử tương ứng và các yêu cầu cơ bản đối với quản lý chất lượng khí dầu mỏ hóa lỏng.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, chế biến, pha chế, phân phối và bán lẻ LPG tại Việt Nam.

Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng nhằm mục đích giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của con người. Quy chuẩn này quy định kiểm soát các chỉ tiêu như áp suất hơi, cặn, ăn mòn tấm đồng, lưu huỳnh và một số các hợp chất hydrocacbon. Đặc biệt là hợp chất như butadien chỉ với một lượng nhỏ khi cháy có thể tạo ra hợp chất có khả năng gây ung thư, do vậy quy chuẩn giới hạn là không lớn hơn 0,5% mol.

Việc sử dụng sản phẩm khí dầu mỏ lỏng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì chúng có nguy cơ cháy nổ rất cao. Chính vì vậy, ngoài những chỉ tiêu được quy định để đảm bảo chất lượng LPG cũng như đảm bảo an toàn về sức khỏe con người, Quy chuẩn này cũng quy định phải bổ sung chất tạo mùi đặc trưng cho khí gas vào LPG để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng.

Quy chuẩn cũng đưa ra nguyên tắc cơ bản trong kiểm soát chất lượng cho tất các khâu liên quan, từ khâu xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và công tác kiểm tra chứng nhận phù hợp.

<br>
Khi LPG được đưa vào chuẩn sẽ giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khỏe của con người.

LPG là nguồn năng lượng quan trọng trong công nghiệp, dân dụng và cũng là loại nhiên liệu gas hữu ích trong giao thông đô thị vì hầu như không phát sinh khí thải và hiệu quả kinh tế do rẻ hơn xăng khoảng 25%-28% và dầu diesel 10%-13%.

Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng 1.500 ôtô sử dụng LPG, chủ yếu là xe taxi tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 cột nạp phục vụ gần 500 xe taxi sử dụng LPG.

Một số doanh nghiệp đang triển khai đội xe sử dụng LPG như Công ty cổ phần Vận tải Cửu Long, Công ty Đông Dương, Petrolimex... Cùng với việc sử dụng LPG ngày càng phát triển thì các vấn đề liên quan đến chất lượng của LPG cần phải được kiểm tra chất lượng một cách có hệ thống và nhà nước cần có những biện pháp quản lý phù hợp đối với loại sản phẩm này.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang